Việc xây dựng thương hiệu trên nền tảng công nghệ số đã và đang hỗ trợ hiệu quả trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh chóng hơn.
Trước đây, việc quảng bá sản phẩm của chị Trương Thị Thu Uyên, Công ty TNHH yến sào Kon Tum, Kon Tum chủ yếu marketing trực tiếp nên số lượng khách hàng tiếp cận chưa nhiều, vì thế chị Uyên đã quyết định đến “Khóa tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các kiến thức cơ bản về kỹ năng xúc tiến thương mại trên môi trường số và kỹ năng kinh doanh, xây dựng hình ảnh trên nền tảng số” do Bộ Công Thương tổ chức cho các tỉnh Tây Nguyên. Nhờ đó chị Uyên đã tiếp thu thêm kiến thức quảng bá sản phẩm, đặc biệt là kĩ năng livestream bán hàng.
"Sản phẩm chất lượng đã có, muốn tiếp cận được nhiều người thì cần có những kĩ năng và áp dụng xu hướng chuyển đổi số 4.0 hiện nay", chị Trương Thị Thu Uyên chia sẻ.
Ngoài tăng lượng tương tác với khách hàng, việc quảng bá trên nền tảng số còn giúp giảm chi phí bán hàng, bổ sung giá trị gia tăng cho sản phẩm là nâng cao nhận thức về thương hiệu sản phẩm và gắn thương hiệu với giá trị của sản phẩm.
Giám đốc Nông trại bền vững iForest Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ: "Đây là cơ hội tốt trong việc chuyển dịch cơ cấu khi mà bán hàng qua các kênh thương mại điện tử để cho doanh nghiệp đưa sản phẩm tiếp cận đến nhiều khách hàng. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu, bên cạnh đó là quy trình sản xuất, yếu tố đặc trưng vùng miền. Ví dụ, Tây Nguyên có cà phê là sản phẩm thế mạnh... Tất cả những yếu tố này giúp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng."
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể ở khu vực Tây Nguyên chiếm số lượng rất lớn, các sản phẩm nông sản cũng vô cùng đa dạng, nhưng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên nền tảng số còn hạn chế do còn gặp khó trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo Đại diện TikTok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh chia sẻ, nền tảng Tiktok sẽ phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên để hỗ trợ về mặt chuyên gia, giúp các doanh nghiệp đưa hàng hoá của mình lên các nền tảng thương mại điện tử. Từ đó hỗ trợ công tác bán hàng và quảng bá sản phẩm, giúp nâng cao kỹ năng số và công tác xúc tiến thương mại của địa phương.
Thông qua việc áp dụng kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, các doanh nghiệp sẽ cải thiện cách thức khai thác các công cụ và xây dựng được kịch bản thúc đẩy doanh thu, gia tăng hiệu quả bán hàng. Từ đó, tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm, nâng tầm giá trị thương hiệu của Việt Nam, giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.
Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược, có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, do vị trí địa lý khu vực này nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển lớn, chủ yếu kết nối bằng các tuyến đường bộ với thời gian dài, chưa có mạng lưới đường cao tốc và đường sắt. Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào khâu quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông sản đóng vai trò hết sức quan trọng.