Phiên họp thứ Năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc

- Thứ Hai, 22/11/2021, 11:50 - Chia sẻ
Sáng 22.11, ngay sau Phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo tình hình thực hiện chi phí quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019-2021 và quyết định mức chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2022-2024; cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động Việt Nam

Tờ trình về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày cho biết, để bảo đảm tuân thủ pháp luật của nước người lao động Việt Nam đến làm việc, tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về BHXH giữa hai nước. Do đó, việc tiến tới ký kết Hiệp định là ghi nhận kết quả quá trình đàm phán giữa Chính phủ hai nước và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán Hiệp định về BHXH trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc
Ảnh: Hồ Long

Hiệp định được xây dựng gồm 5 Phần, 24 Điều, trong đó phạm vi áp dụng đối với Việt Nam là Luật Bảo hiểm xã hội (áp dụng chế hộ hưu trí và tử tuất), đối với Hàn Quốc là Luật Hưu trí quốc gia. Nguyên tắc áp dụng pháp luật và đối xử bình đẳng (Điều 4, Điều 5) là ngoại trừ có quy định khác tại Hiệp định, người lao động sinh sống và làm việc trong lãnh thổ của một trong hai Bên ký kết Hiệp định sẽ được đối xử công bằng về BHXH như công dân của Bên ký kết đó, đồng thời sẽ chỉ chịu sự điều chỉnh theo pháp luật của Bên ký kết nơi mà người lao động đến làm việc.

Hiệp định có một số quy định đặc biệt, như: Quy định tránh đóng BHXH 2 lần đối với lao động phái cử (Điều 6), đối với lao động tuyển dụng tại chỗ (Điều 7) và trường hợp ngoại lệ đối với một số đối tượng cụ thể. Hoặc quy định về cộng gộp thời gian tham gia và tính hưởng BHXH (Điều 10, Điều 11, Điều 12).

Để giải quyết những vấn đề chưa được quy định trong pháp luật BHXH đối với phía Việt Nam về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí và về tính hưởng chế độ hưu trí, tại Khoản 2, Điều 23 dự thảo Hiệp định về Hiệu lực có quy định đối với các nội dung về tính cộng gộp thời gian đóng BHXH để tính hưởng quyền lợi hưu trí thì sẽ chỉ áp dụng khi Việt Nam có khả năng thực hiện. Theo đó, hai Bên ký kết thống nhất sẽ thực hiện trước nội dung miễn trừ để nhằm tránh đóng BHXH hai lần. Còn đối với nội dung về tính cộng gộp thời gian sẽ được thực hiện khi phía Việt Nam hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật BHXH hiện hành.

Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận để Chính phủ được ký kết Hiệp định và tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH

Báo cáo thẩm tra về việc ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết ký Hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng BHXH 2 lần, tối ưu hóa quyền lợi về BHXH cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cũng như người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam. Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 của Liên Hợp Quốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà trình bày báo cáo thẩm tra về việc ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc
Ảnh: Hồ Long

Về nội dung dự thảo Hiệp định không trái với Hiến pháp và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; việc ký kết Hiệp định thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Hiệp định do dự thảo Hiệp định có nội dung chưa được quy định trong luật của Quốc hội. Ủy ban Đối ngoại và đa số Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tuân thủ quy định của Luật Điều ước quốc tế (Khoản 1, Điều 14).

Một số ý kiến Ủy ban Đối ngoại đề nghị làm rõ các nội dung về: tình hình ký kết Hiệp định song phương về BHXH ở các nước trong khu vực và trên thế giới; lợi ích của Việt Nam khi ký Hiệp định; làm rõ khả năng áp dụng trực tiếp Hiệp định; lộ trình sửa đổi, bổ sung, định hướng sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá toàn diện, đầy đủ và giải trình rõ hơn tác động đối với quỹ BHXH; chế tài xử lý đối với các trường hợp trốn đóng BHXH giữa hệ thống pháp luật của hai nước; mối quan hệ và ảnh hưởng giữa Hiệp định này với các hiệp định song phương khác của hai nước…

Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế (đối với nội dung tính gộp thời gian đóng BHXH).

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết đồng ý ký kết Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc
Ảnh: Hồ Long

Qua thảo luận tại phiên họp, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về nguyên tắc ký kết Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc. Đồng thời  lưu ý, việc ký Hiệp định phải phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH, phù hợp với luật pháp Việt Nam, đẩy mạnh đàm phán, ký kết Hiệp định song phương về BHXH. Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và lao động Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng. 

Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, đề nghị Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hoàn thiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định ký Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên cơ sở thực tế.

Thành Trung