Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo với chủ đề “Hướng nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ: Nữ sinh và các ngành STEM” do Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) phối hợp với Phòng Giáo dục thành phố Từ Sơn tổ chức ngày 25.10.
Phụ nữ chỉ chiếm 29% lực lượng lao động STEM
Tại hội nghị, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông đã cung cấp góc nhìn toàn diện về thực trạng nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong các ngành kỹ thuật – công nghệ, vốn được xem là nhóm ngành trụ cột của sự phát triển kinh tế và công nghiệp hiện đại.
Số liệu thống kê cho thấy, phụ nữ chỉ chiếm 29% lực lượng lao động STEM và 52% lực lượng lao động có trình độ đại học. Số lượng phụ nữ giữ các vị trí trong hội đồng quản trị trong các ngành liên quan đến STEM vào năm 2020 là 19,2%, tăng 18,3% so với năm trước. Phụ nữ chỉ chiếm 3% trong số các CEO của ngành STEM.
Có 29,3% các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới là phụ nữ. Phụ nữ chiếm 8% số lượng tuyển sinh toàn cầu vào các khóa học sản xuất, xây dựng và kỹ thuật; chiếm 10,9% các công việc liên quan đến xây dựng.
“Mất cân bằng giới không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn là một trở ngại lớn cho sự phát triển bền vững và sáng tạo của ngành kỹ thuật. Gần 80% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam có tay nghề thấp hoặc không có tay nghề. Có tới 86% lao động trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm trong vòng vòng 10-15 năm tới", PGS.TS Nguyễn Tiến Đông khẳng định.
Chuyên gia về giới của UN Women Đặng Thanh Mai cho biết, xã hội ngày nay vẫn tồn tại định kiến giới. Trong khi nam giới được cho là mạnh mẽ, quyết đoán, có khả năng lãnh đạo, thì nữ giới bị coi là yếu đuối, không phù hợp với công việc đòi hỏi tính cạnh tranh cao. Nhiều người cho rằng phụ nữ không có khả năng vượt trội trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, dẫn đến việc hạn chế cơ hội học tập và việc làm cho phụ nữ trong những ngành này.
Theo khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 2021, hơn 60% phụ huynh tại Việt Nam mong muốn con gái mình làm các công việc văn phòng hoặc giáo dục, thay vì kỹ thuật hay khoa học. Báo cáo tiến độ năm 2022 của Liên hợp quốc (LHQ) về Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (mục tiêu Bình đẳng giới) cho thấy phụ nữ chỉ tham gia 20% công việc trong lĩnh vực STEM trên toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), có ít hơn 30% nhà nghiên cứu trên thế giới là nữ và chỉ có 30% sinh viên nữ lựa chọn ngành học liên quan lĩnh vực STEM ở bậc giáo dục đại học.
Số liệu của Trường Đại học Công nghệ Thông tin trong năm 2019 cho thấy số lượng sinh viên nam chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 80%, tương ứng 1.430 sinh viên so với hơn 20% sinh viên nữ.
Trường Đại học Bách khoa có 4.273 sinh viên nam nhưng chỉ có 1.150 sinh viên nữ, tương đương với hơn 78% sinh viên nam so với 22% sinh viên nữ. Trường Đại học Công nghệ Thông tin thì "trung bình cứ 9 sinh viên nam thì mới gặp 1 sinh viên nữ theo học tại đây".
“Chính các chuẩn mực giới, kỳ vọng giới và vai trò của trẻ em gái và trẻ em trai đã góp phần vào sự chênh lệch giới trong kết quả học tập. Bản thân trẻ em tin rằng nghệ thuật và ngôn ngữ hình thành các hoạt động “nữ tính” và các môn học khoa hoc, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) là “nam tính”. Cha mẹ thường có xu hướng ít tỏ thái độ tích cực đối với giáo dục STEM dành cho trẻ em gái”, Bà Đặng Thanh Mai nêu quan điểm.
Nhiều giải pháp trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM
Trong khuôn khổ sự kiện, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi. Đại diện các bên liên quan đã chia sẻ, làm rõ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển sự nghiệp của phụ nữ trong các ngành STEM.
Đồng thời đề xuất các giải pháp để thu hẹp khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Nguyễn Tiến Đông nhìn nhận, hệ quả của việc thiếu vắng nữ giới trong các ngành kỹ thuật là thiếu đa dạng tư duy và sáng tạo; làm chậm quá trình đổi mới.
Nhiều sản phẩm và dịch vụ công nghệ, nếu được phát triển bởi đội ngũ chỉ có nam giới, có thể thiếu đi sự hòa nhập và không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của tất cả các nhóm khách hàng.
Khi phụ nữ bị loại trừ hoặc không được khuyến khích tham gia vào các ngành có giá trị kinh tế cao, toàn bộ xã hội mất đi một phần đáng kể của lực lượng lao động tiềm năng. Điều này không chỉ tác động đến việc làm và thu nhập của phụ nữ, mà còn hạn chế khả năng phát triển kinh tế của quốc gia.
Một hệ lụy rõ ràng khác của việc mất cân bằng giới trong tuyển sinh các ngành kỹ thuật – công nghệ là nguy cơ thiếu hụt nhân lực có trình độ cao. Khi nguồn lực chỉ đến từ nam giới, ngành kỹ thuật không thể tận dụng được tối đa tiềm năng của cả xã hội. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt trong các lĩnh vực quan trọng như tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo, và sản xuất thông minh, những lĩnh vực đang rất cần nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp 4.0.
Giám đốc nhân sự, Công ty TNHH Hitachi Energy Việt Nam Nguyễn Thị Lan Anh thông tin, doanh nghiệp này đang có chính sách đặc biệt dành cho nữ giới như Diversity 360, chương trình tăng tốc cho phụ nữ, các chương trình đào tạo và phát triển dành cho nữ giới, giúp họ phát huy hết tiềm năng, trang bị các kỹ năng cần thiết để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, chủ chốt trong công ty.
Hitachi cũng tạo ra một môi trường hòa nhập, chế độ lương thưởng cho các vị trí tạo sự công bằng cho các giới, đồng thời cho chế độ linh hoạt làm việc từ xa để giúp nữ giới vừa có thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình mà vẫn hoàn thành tốt công việc. Với các chính sách trên, Hitachi tạo ra một môi trường phát triển bền vững, phát triển nhân tài và đào tạo các nhà lãnh đạo nữ.
Chuyên gia về giới Đặng Thanh Mai khuyến nghị, cần khuyến khích nữ sinh tham gia các ngành STEM bằng học bổng, chương trình cố vấn và các mô hình vai trò nữ giới thành công trong lĩnh vực này. Giáo dục về bình đẳng giới nên thực hiện từ giai đoạn học đường và có chính sách hỗ trợ phụ nữ thăng tiến. Cần vận động xoá bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử với trẻ em gái trong môi trường giáo dục, với phụ nữ trong lao động và việc làm, cũng như xoá bỏ bạo lực giới trên không gian mạng.
Để tránh thiếu hụt nhân lực nữ trong khối ngành khoa học - kỹ thuật, cần nâng cao hiểu biết của gia đình và Nhà trường về các nghề cần thiết trong tương lai so với nghề truyền thống có nhiều đặc thù về giới, hoặc củng cố phân biệt dựa trên cơ sở giới.
"Đảng, Nhà nước, Quốc hội và mọi thành phần trong xã hội cần tiếp tục xây dựng chính sách, chương trình hỗ trợ bình đẳng giới và đào tạo chuyên môn cho lao động nữ và lãnh đạo nữ để đảm bảo họ được tham gia, hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế số một cách công bằng, bền vững", chuyên gia Đặng Thanh Mai nêu quan điểm.