Thúc đẩy phát triển thay vì quản lý

- Thứ Hai, 18/01/2021, 06:27 - Chia sẻ

Tuần qua, một trong những vấn đề trọng tâm các doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm và góp ý nhiều cho Bộ Công thương khi lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử là khuyến nghị Bộ cần tiếp tục tư duy cởi mở và thúc đẩy thị trường thay vì tạo ra các gánh nặng cho doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước.

Phản ứng này bắt nguồn từ quy định mới được đề xuất, rằng chủ sàn thương mại điện tử phải có nghĩa vụ cung cấp công cụ tiếp cận dữ liệu nhằm phục vụ mục đích điều tra, xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán trên các sàn. Dù vấn đề chính sách Bộ đưa ra là tăng cường bảo vệ lợi ích các bên, đặc biệt với người mua hàng rất đúng đắn, thì công cụ chính sách để xử lý vấn đề lại chưa phù hợp và không công bằng cho chủ sàn. Bởi việc “tạo ra một cổng” để cung cấp dữ liệu thuận tiện nhiều mặt với cơ quan quản lý nhưng lại đặt chủ sàn trước các rủi ro, đặc biệt là rủi ro bảo vệ an toàn dữ liệu, bí mật kinh doanh. Đánh giá kỹ hơn, các chuyên gia cũng góp ý, quy định này có thể mâu thuẫn với các quy định tại Luật An toàn thông tin mạng (2015) và Luật Dân sự về 2 vấn đề nêu trên. Trong khi đó, Nghị định hiện tại đã có quy định được coi là hợp lý khi yêu cầu chủ sàn báo cáo thông tin cụ thể về giao dịch bị nghi vấn.

Từ câu chuyện này, nhìn rộng hơn về tư duy chính sách, khi giải quyết các vấn đề của thị trường, các bộ, ngành nên xem xét kỹ lưỡng các công cụ, giải pháp chính sách có trong tay, trước khi chọn cách dễ là đẩy phần khó về doanh nghiệp. Ví dụ, đối với vấn đề hàng giả, cơ quan quản lý có thể sử dụng các thiết chế khác trong ngành để tăng cường giám sát và chống gian lận. Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội Thương mại điện tử, các tổ chức đánh giá độc lập có thể xếp hạng mức độ uy tín của các sàn. Sàn nào không tốt trong bảo vệ chủ hàng, bảo vệ người mua thì sẽ bị xếp hạng thấp. Như vậy, cả chủ hàng và người dùng có thêm thông tin, từ đó chọn được sàn uy tín. Các chủ sàn dưới áp lực cạnh tranh sẽ tự bắt buộc nâng cao chuẩn mực phục vụ khách hàng.

Về mặt tiếp cận chính sách, các cơ chế như trên được gọi là tự điều tiết của thị trường, tức doanh nghiệp tự đặt ra các quy định để xử lý những vấn đề của mình. Cách tiếp cận này được coi là phù hợp cho ngành liên quan đến công nghệ, khi doanh nghiệp có thể nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới để bảo vệ người dùng, bảo vệ khách hàng và tự tạo lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, trong lĩnh vực chống vi phạm bản quyền trên môi trường số, kênh Youtube của Google ứng dụng công nghệ để tự động quét, rà soát và chống sao chép nội dung hiệu quả hơn rất nhiều so với phương cách truyền thống tự đăng ký bản quyền, sau đó khiếu kiện khi có vi phạm xảy ra.

Như vậy, người làm chính sách nên mở rộng tư duy, xem xét và lựa chọn công cụ chính sách để điều tiết thị trường (regulatory policy) đa dạng hơn, tránh dựa vào cách làm truyền thống là cứ có vấn đề phát sinh trên thị trường lại muốn đặt ra các quy định mới để xử lý. Nếu đổi mới tư duy làm chính sách, đi theo hướng khuyến khích như vậy, môi trường thể chế cho kinh tế số ở Việt Nam chắc chắn sẽ thuận lợi và được tiếp thêm động lực mới để thành công.

Nguyễn Quang Đồng - Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông