Đó là những nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tại Hà Nội, ngày 12.12.
Đô thị xanh thúc đẩy kinh tế xanh
Trong xã hội hiện đại, đô thị hóa đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế. Sự gia tăng dân số và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đã dẫn đến việc mở rộng không ngừng của các khu vực đô thị. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này là những vấn đề nghiêm trọng về môi trường như ô nhiễm không khí, nước và biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, phát triển đô thị xanh đã trở thành một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả kinh tế và môi trường.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ, hiện nay vấn đề đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về môi trường, xã hội và văn hóa. Trước thực trạng đó, khái niệm “đô thị xanh” đã nổi lên như một hướng đi không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đô thị xanh không chỉ là những không gian với nhiều cây xanh, mà còn là sự tích hợp của các giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng, quản lý nguồn nước, giao thông và công nghệ thông tin.
Hà Nội là một trong 20 Thủ đô có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Hà Nội cũng tự hào có một lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức trong thời kỳ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng, TP. Hà Nội cũng phải đối mặt với những thách thức lớn như: mật độ dân cư đông đúc, quá tải hệ thống y tế và giáo dục, cùng những vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước, ùn tắc giao thông...
Cùng với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh... TP. Hà Nội đã cụ thể hóa các định hướng, tầm nhìn chiến lược vào hai quy hoạch và Luật Thủ đô sửa đổi; trong đó các từ khóa “xanh”, “số”, “thông minh”, “bền vững”, đã được cấy gen vào các quy hoạch. TP. Hà Nội cũng đang xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với định hướng thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, xanh, thông minh, thành phố kết nối toàn cầu.
Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là một cơ sở quan trọng để Thủ đô có thể phát triển với tốc độ nhanh, bền vững, trở thành đầu tàu của kinh tế - xã hội cả nước. Trên thế giới, vấn đề phát triển đô thị bền vững là biểu hiện cụ thể của phát triển kinh tế bền vững ở một nơi có mật độ dân cư rất cao.
Hơn nữa, phát triển đô thị xanh còn khuyến khích việc hình thành các ngành công nghiệp mới liên quan đến công nghệ xanh, việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch và dịch vụ môi trường. Khi các thành phố chuyển sang mô hình phát triển này, họ có thể khai thác được lợi thế cạnh tranh trong một nền kinh tế ngày càng ưa chuộng sản phẩm và dịch vụ bền vững…
Không những vậy, đô thị xanh còn mang lại lợi ích rõ rệt cho sức khỏe cộng đồng. “Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững không chỉ nhằm tạo ra môi trường sống lành mạnh nhất cho cư dân, mà còn để đóng góp vào cuộc chiến toàn cầu vì một tương lai trái đất xanh và sạch hơn”, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi nhận định.
Linh hoạt các giải pháp để phát triển đô thị xanh
Đô thị xanh cung cấp một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững. Nhưng việc phát triển đô thị xanh, kinh tế xanh theo hướng bền vững vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức về cơ sở hạ tầng, chính sách và quản lý... Để giải quyết những thách thức, phát triển đô thị theo hướng xanh, hình thành nhiều đô thị đáng sống gắn với phát triển kinh tế xanh các chuyên gia cho rằng, sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định trong việc hiện thực hóa những mục tiêu này, góp phần tạo nên một không gian sống tốt đẹp cho các thế hệ tương lai.
Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường có thể được thực hiện thông qua nhiều giải pháp như xây dựng không gian xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển giao thông bền vững. Những yếu tố này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra giá trị kinh tế lâu dài cho các đô thị.
Theo các chuyên gia, để đạt được các mục tiêu phát triển đô thị xanh, kinh tế xanh theo hướng bền vững, việc xây dựng một chiến lược là vô cùng cần thiết. Đây không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn là trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng.
Việc xây dựng một chiến lược phát triển đô thị xanh có thể tập trung vào ba trụ cột chính là không gian xanh, năng lượng tái tạo và giao thông bền vững là điều không thể thiếu. Các chính sách và giải pháp phù hợp cần được triển khai để giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự phát triển đô thị, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định trong việc hiện thực hóa những mục tiêu này, góp phần tạo nên một không gian sống tốt đẹp cho các thế hệ tương lai.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, với dân số liên tục gia tăng và áp lực ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế, vấn đề môi trường trở thành một mối quan tâm hàng đầu đối với thành phố. Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường và quản lý năng lượng hiệu quả.
Bên cạnh đó, để phát triển đô thị xanh cần tăng cường xử lý các vấn đề về môi trường, chất thải… đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Việc khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển đô thị xanh. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng bền vững khác. Những ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính sẽ khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch.
Cụ thể, đối với Thủ đô Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, có 3 nguồn chính cần được quan tâm và đưa vào quy hoạch phát triển thủ đô xanh là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối.
Bên cạnh vấn đề về năng lượng, các chuyên gia cho rằng, giao thông bền vững đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị xanh. Các thành phố cần phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại và thuận tiện để giảm thiểu sự phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân. Đồng thời, việc cải thiện hạ tầng để hỗ trợ đi bộ và đi xe đạp sẽ là một giải pháp hiệu quả trong việc giảm ô nhiễm môi trường.
Chính quyền địa phương cần đầu tư vào các mạng lưới giao thông công cộng, tạo điều kiện để người dân dễ dàng di chuyển và nâng cao khả năng tiếp cận với các dịch vụ công cộng.