Thúc đẩy mô hình kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời

- Thứ Ba, 24/11/2020, 14:49 - Chia sẻ
Sáng 24.11, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) tổ chức hội thảo Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Nguyễn Quốc Toàn cho biết, phát triển điện mặt trời được xác định là thế mạnh của tỉnh. Theo thống kê, trung bình bức xạ năng lượng mặt trời tại tỉnh vào khoảng 4,3 – 4,9 kwh/m2/ngày với số giờ nắng trung bình từ 2.200 – 2.500 giờ/năm. Hiện, toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có diện tích quy hoạch hơn 1.000 ha với tỷ lệ lấp đầy trên 60%. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích quy hoạch 5.200ha và có trên 60 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ hội lớn để tỉnh phát triển điện mặt trời áp mái cũng như kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời.

Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư điện mặt trời áp mái kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lợi ích kép. Với diện tích bình quân 1,2ha có thể đầu tư 1MWp trên nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau…; nuôi bò cao sản, gà, dế… Doanh thu từ tiền điện tiết kiệm được và tiền bán điện có thể hoàn vốn cho toàn bộ cơ sở vật chất của trang trại sau 6 – 8 năm với giá bán điện là 1.943 đồng/kWh như hiện nay.

Hiện, tỉnh Hậu Giang đang thu hút 9 dự án điện mặt trời lớn, trong đó có 3 dự án được Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch điện VII, 3 dự án đang trình Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia, 3 dự án còn lại đang tiếp cận đầu tư. Riêng về điện mặt trời áp mái trên các trang trại nông nghiệp, hiện có 96 nhà đầu tư đến tìm hiểu và xin chủ trương đầu tư với tổng công suất đăng ký 212 MW. Đến nay, Công ty Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới điện 22 Kv với tổng công suất 45 MW.

Tuy vậy, tỉnh Hậu Giang đang đối mặt với nhiều khó khăn, như suất đầu tư điện mặt trời lớn nên nhiều doanh nghiệp và người dân không đủ vốn đầu tư; vốn vay tín dụng ngân hàng thường ít hơn so với nhu cầu; chưa có nhiều chính sách ưu đãi trong vay vốn…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, các đại biểu kiến nghị, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cần có cơ chế đặc thù về nguồn vốn để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng. Bên cạnh đó, cần cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải trên địa bàn tỉnh để bảo đảm phát triển đồng bộ. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách cho mô hình kết hợp điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp, trong đó có cơ chế về sử dụng đất và giá điện.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên khẳng định tỉnh sẽ tập trung phát triển mô hình kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái. Phó Chủ tịch Thường trực yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm giải quyết, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, người dân với tinh thần không né tránh trách nhiệm. Đồng thời, các sở, ngành cần quan tâm hướng dẫn cho địa phương triển khai mô hình này để từng bước đa dạng hóa nguồn năng lượng, đưa Hậu Giang có tốc độ phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng tại hội thảo, đại diện UBND tỉnh Hậu Giang, Green ID  và Công ty Ecotech Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư điện mặt trời áp mái kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Vũ Thủy