Thúc đẩy kinh tế tư nhân bằng cơ chế, chính sách rõ ràng
Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, phiên thảo luận cần làm rõ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ.
PGS. TS NGUYỄN THƯỜNG LẠNG, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Sớm xây dựng Luật Kinh tế tư nhân
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW, việc xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế này là cần thiết và cấp bách.

Dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa thành 5 nhóm chính sách trọng tâm. Nhóm đầu tiên liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, với các quy định về nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực; đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Đồng thời, dự thảo cũng đưa ra nguyên tắc xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, cũng như thủ tục rút gọn cho phá sản doanh nghiệp. Đây là những vấn đề rất quan trọng.
Tại phiên thảo luận ở hội trường, Quốc hội cần làm nổi bật vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân. Dù xét về sở hữu hay nguồn lực, khu vực này cần được đối xử bình đẳng với kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc làm rõ nội hàm của “kinh tế tư nhân” là hết sức cần thiết, tránh những cách hiểu nửa vời gây hạn chế hiệu quả chính sách.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần thảo luận kỹ về quy mô phát triển tối đa của khu vực tư nhân và cơ chế khuyến khích phù hợp với vai trò của khu vực này. Cụ thể: chính sách tài khóa, thuế ưu đãi ở mức độ nào; tiếp cận đất đai, lao động, lãi suất ra sao; hay trong các đại dự án về đường sắt, giao thông, cảng biển, các đại dự án về phát triển năng lượng... kinh tế tư nhân được tham gia đến mức độ nào? Nhà nước sẽ “mở cửa” hoàn toàn hay chỉ “mở một nửa”? Những vấn đề này cần được xác định rõ ràng.
Cùng với Nghị quyết, cần sớm thể chế hóa thành văn bản pháp luật, cụ thể là xây dựng Luật Kinh tế tư nhân. Luật này sẽ tạo hành lang pháp lý ổn định, bảo đảm các cơ chế, chính sách ưu đãi, mở rộng không gian phát triển và khẳng định vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Ngoài ra, cần ban hành bộ quy tắc ứng xử mới đối với khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng cơ chế dung nạp, mở rộng để khu vực này có thể tham gia liên kết với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và FDI, hướng tới một hệ sinh thái kinh tế năng động, tích hợp và phát triển bền vững.
TS. LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế
Hỗ trợ chiến lược cho doanh nghiệp tư nhân “đầu đàn”
Có thể nói, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân được xem là một bước ngoặt quan trọng nhằm giải phóng sức mạnh của khu vực tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Văn kiện này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể. Trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ, cần làm rõ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Quốc hội nên xem xét kỹ lưỡng định hướng đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, như phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực số; đồng thời nghiên cứu cơ chế chính sách để hình thành các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo gắn với khu vực tư nhân.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng cần động lực từ nguồn vốn. Do đó, cần bàn thảo các giải pháp đa dạng hóa các gói hỗ trợ tài chính như tín dụng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết đề cập đến việc hỗ trợ doanh nghiệp mức lãi suất 2%/năm khi vay vốn cho các dự án xanh, dự án tuần hoàn. Tuy nhiên, cần làm rõ cách thức triển khai để doanh nghiệp có thể thực sự tiếp cận được nguồn vốn này. Thực tế thời gian qua cho thấy, dù có chính sách tài chính nhưng doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong tiếp cận.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân đầu đàn – những đơn vị có tiềm năng vươn ra thị trường toàn cầu – rất cần sự hỗ trợ chiến lược. Phiên thảo luận cần đề cập cụ thể tới vấn đề này, đồng thời đề xuất các chính sách riêng biệt để nuôi dưỡng và phát huy vai trò dẫn dắt của nhóm doanh nghiệp này.
Cuối cùng, phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy, cần xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho người lao động; đào tạo theo nhu cầu thị trường và đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số.
Ông NGUYỄN THẾ ĐIỆP, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội
Làm rõ các cơ chế ưu đãi
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW, tạo động lực mới, khơi thông sức sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số và củng cố vị thế của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân. Dự thảo cũng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, một trong những khó khăn lớn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ các rào cản này, dự thảo đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước như: hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công. Tuy nhiên, nội hàm cụ thể của những chính sách này vẫn cần được làm rõ để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thực thi.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu sẽ có chính sách hỗ trợ tài chính và tín dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý làm rõ cơ chế tiếp cận nguồn vốn, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc triển khai hỗ trợ, tránh tình trạng chính sách có nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận được.
Một nhóm chính sách quan trọng khác trong dự thảo là hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực, thông qua Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, song để triển khai hiệu quả, cần huy động các nguồn lực xã hội hóa, sự tham gia của khối doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, phải cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và triển khai các chính sách hỗ trợ khác một cách minh bạch, đồng bộ.
Những nội dung này cần được thảo luận kỹ tại phiên họp của Quốc hội. Việc phân tích, làm rõ từng nội dung cụ thể là điều kiện cần thiết để Nghị quyết sau khi ban hành có thể sớm đi vào cuộc sống. Nếu thời gian thực thi bị kéo dài, chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng. Các cơ chế ưu đãi cần được thiết kế minh bạch, nhất quán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đất đai, nguồn lực một cách công bằng, trong khi bộ máy hành chính cần thực sự trở thành lực lượng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.