Thúc đẩy hợp tác địa phương

Lâm Hiển 23/02/2017 07:58

Tại “Tọa đàm tăng cường quan hệ đối tác giữa địa phương Việt Nam và Liên bang Nga”, được tổ chức sáng qua, đại diện các địa phương 2 nước đã trao đổi nhiều cơ hội và định hướng hợp tác ở cấp độ địa phương.

Quan hệ truyền thống

Tháng 3.2001, Việt Nam và Liên bang Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ “Đối tác chiến lược Việt- Nga”. Tháng 5.2012, hai bên nhất trí đưa quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới- quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”; ra “Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”. Đây là bước phát triển có tính đột phá, mở ra kỷ nguyên hợp tác cả về bề rộng và chiều sâu giữa hai nước. Quan hệ kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ, trọng tâm là phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 2,7 tỷ USD; hiện nay Nga đứng thứ 23/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 118 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 1,1 tỷ USD.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, việc thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Liên bang Nga là một trong những hướng hoạt động quan trọng trong chính sách đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Bộ Ngoại giao luôn ủng hộ và tạo điều kiện trong vai trò cầu nối, tư vấn và hỗ trợ để ngày càng có nhiều địa phương hai nước thiết lập quan hệ làm ăn trực tiếp với nhau, phát huy các tiềm năng sẵn có của mình, đáp ứng yêu cầu của mỗi địa phương, góp phần xứng đáng vào việc tăng cường và củng cố hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước nói riêng và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga nói chung.

Trong thời gian qua, nhiều dự án lớn, tiên phong giữa các địa phương đã được triển khai và hoạt động hiệu quả như Trung tâm văn hóa – thương mại Hà Nội tại Moscow; Tổ hợp chăn nuôi bò sữa của TH True Milk; các dự án trong lĩnh vực du lịch, khách sạn của doanh nghiệp Nga tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Vũng Tàu...; mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu tự trị Nednets với dự án liên doanh nổi bật là Rusvietpetro (tính đến năm 2016, công ty đã khai thác được 16,3 triệu tấn dầu). Quan hệ hợp tác hữu nghị cấp địa phương giữa hai bên ngày càng phát triển mạnh mẽ và thực chất, điển hình là hợp tác giữa Hà Nội và Moscow, Khánh Hòa và Khabarocsk, Đà Nẵng và Yaroslavl, Nghệ An và Ulianop, Hồ Chí Minh và St. Petersburg.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng quan hệ hai nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của mỗi bên, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Theo Chủ tịch Hội đồng tỉnh Orenburg (Liên bang Nga) Sergey Grachev, trong vùng Orenburg có 6 cơ sở kinh doanh có nguồn vốn đầu tư của Việt Nam đã được ký kết, hợp tác của Công ty CP Gazprom với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phát triển rất tích cực, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Orenburg và Việt Nam mới chỉ đạt 10,5 triệu USD. Còn theo Thống đốc tỉnh Primorie Vladimir Miklushevski, kim ngạch thương mại giữa hai bên mới đạt khoảng 50 triệu USD.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. I. Matvienko tham dự tọa đàm Ảnh: L. Hiển
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng  Liên bang Nga V. I. Matvienko tham dự tọa đàm
Ảnh: L. Hiển

Hợp tác để khai thác tốt tiềm năng

Với những thế mạnh và tiềm năng của mình, các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận luôn mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa với thị trường Liên bang Nga rộng lớn.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang xây dựng đặc khu kinh tế đầu tiên của cả nước - Đặc khu Vân Đồn - với định hướng xây dựng và phát triển một đặc khu có nền kinh tế hướng ngoại, độ mở cao, bộ máy quản lý tinh gọn, thủ tục hành chính thông thoáng. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các thủ tục ngày càng được đơn giản hóa và giải quyết công khai minh bạch. Quảng Ninh mong muốn được tiếp tục tăng cường hợp tác với các địa phương của Nga trên các lĩnh vực du lịch, khoa học công nghệ, môi trường, giáo dục đào tạo.

Theo đại diện Lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, với thế mạnh xuất khẩu nông sản, hàng mỹ nghệ, gia dụng, may mặc... TP Hồ Chí Minh mong muốn Đại sứ quán Nga tại Việt Nam giới thiệu các công ty nhập khẩu những mặt hàng này. TP sẵn sàng kết nối doanh nghiệp hai bên, cam kết có nguồn cung hàng ổn định, chất lượng và giá cả hợp lý.

Một hướng hợp tác nhiều triển vọng khác là các công ty Việt Nam đã xây dựng các cụm công nghiệp nhẹ và cơ sở nông nghiệp tại tỉnh Moscow và tỉnh Kaluva. Ngay tại Tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. I. Matvienko đề nghị hai bên nghiên cứu khả năng xây dựng những dự án tương tự tại Primorie. Chính phủ Liên bang Nga đã có một chương trình của Nhà nước xác định những biện pháp ủng hộ các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, xác định những khuôn khổ đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Nga và quốc tế có thể xây dựng các cơ sở sản xuất, phát triển hợp tác tại vùng Primoria. Chủ tịch V. I. Matvienko cho rằng, những thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương của Nga có thể được thúc đẩy rõ rệt trong thời gian tới. Đánh giá Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch V. I. Matvienko mong các doanh nghiệp Nga nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của Việt Nam để triển khai những dự án chung trong lĩnh vực này.

Hợp tác với Liên bang Nga sẽ giúp các địa phương của Việt Nam thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hai nước thuộc hai châu lục, cách xa nhau nên việc giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với vai trò là người đại diện cho cử tri, nhân dân, QH Việt Nam và Hội đồng Liên bang Nga cần tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thúc đẩy hợp tác địa phương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO