Đổi mới sáng tạo chủ yếu… để đi thi
Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác”, do Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam (VNEI) phối hợp tổ chức mới đây trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Chủ tịch VNEI Nguyễn Trung Dũng cho biết, sau đào tạo và nghiên cứu, gần đây sứ mệnh thứ 3 của giáo dục đại học là đổi mới sáng tạo được xã hội rất quan tâm, thậm chí nhiều trường đại học đã đưa vào trong chiến lược của mình. Hiểu một cách súc tích, đổi mới sáng tạo trong trường đại học là kết quả nghiên cứu cộng với khả năng thương mại hóa.
Hiện, nhiều trường đang tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp (starup), song theo ông Dũng, đây chỉ là một phần rất nhỏ, không phải là đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Đổi mới sáng tạo phải dựa trên nền tảng vững chắc là sự sáng tạo, điều này đòi hỏi cả 3 sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của giáo dục đại học phải gắn liền với nhau. “Nếu tách rời, cứ hô hào các em sinh viên đi thi các cuộc thi khởi nghiệp, được trao giải nhất, nhì, ba xong vỗ tay rồi ra về đâu lại vào đấy, thậm chí có thể tạo ra những “startup zombie” lang thang hết cuộc thi này đến cuộc thi khác nhưng cuối cùng không tạo ra giá trị gì, thậm chí tiêu tốn rất nhiều tiền”, ông Dũng lưu ý.
Theo Phó Chủ tịch Trường Đại học FPT Hoàng Nam Tiến, phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở các trường đại học đang “nặng vị nghệ thuật”. Tức là phần lớn đề tài đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên chỉ để đi thi, số đề tài mang vào thực tiễn cuộc sống rất ít. Theo ông Tiến, cái gốc là do giáo dục theo hướng dùng văn mẫu, toán mẫu để làm chuẩn mực đánh giá học sinh đã làm thui chột khả năng sáng tạo. Các em phải thể hiện được khả năng đổi mới sáng tạo từ phổ thông thì mới hy vọng vào đại học sẽ đổi mới sáng tạo được, ông Tiến nói.
Hiện, hệ thống giáo dục đại học có 270 cơ sở, trong đó hơn 70 cơ sở thuộc khối ngoài công lập, TS. Trần Nam Tú, Phụ trách Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin. Dù đổi mới sáng tạo đã được nhiều trường quan tâm thực hiện, song nhìn chung vẫn đang có những khó khăn. Trong đó, đầu tiên là tư duy của người lãnh đạo cũng như tập thể lãnh đạo. “Có những trường rất có điều kiện nhưng người lãnh đạo không muốn đổi mới sáng tạo mà muốn tập trung làm việc khác”.
Cần giải bài toán từ thực tiễn
Xác nhận nhiều trường đang loay hoay không biết đổi mới sáng tạo như thế nào, ông Nguyễn Trung Dũng khuyến nghị, đầu tiên, các trường phải xác định mục tiêu là gì thay vì đặt câu hỏi cần làm gì. Theo đó, nếu trường muốn tập trung phần lớn vào đào tạo, tuyển sinh thật nhiều thì việc tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng, các cuộc thi sinh viên, các chương trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chung chung là phù hợp. Còn nếu muốn định hướng là trường đại học nghiên cứu thì phải có mô hình, tổ chức hỗ trợ trung gian… Không có mô hình, công thức chung cho tất cả các trường, tùy chiến lược và nguồn lực của từng trường để quyết định theo hướng nào. Khi đó, cả các trường Xã hội Nhân văn, trường Sư phạm, Ngoại ngữ vẫn có thể làm đổi mới sáng tạo chứ không riêng các trường công nghiệp, kỹ thuật. Đồng thời, cần có mạng lưới để các trường có thể hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy về đổi mới sáng tạo.
Tới đây, VNEI dự kiến sẽ đưa lãnh đạo các trường đại học đi tham quan những mô hình đổi mới sáng tạo trên thế giới. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các trường nhìn nhận đổi mới sáng tạo không chỉ là một phong trào làm cho có, mà phải đưa vào thực chất trong chiến lược của nhà trường, ông Dũng chia sẻ.
Nhấn mạnh tư duy của lãnh đạo nhà trường là rất quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, TS. Trần Nam Tú bổ sung, cần phải có môi trường cho đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, tức là cần sự vào cuộc của cả hệ thống. Trong tháng này, dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Thủ tướng ban hành Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035, định hướng tới 2045 và Đề án Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030. Theo đó, sẽ tập trung giao việc cho các cơ sở giáo dục đại học lớn cả công lập và ngoài công lập trong các lĩnh vực về công nghệ số, công nghệ sinh học, môi trường xanh, năng lượng sạch… Đây sẽ là những cơ sở có vai trò đi đầu, dẫn dắt hệ thống, kết nối hình thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học để phát triển các lĩnh vực này, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Một vấn đề được nhiều đại diện trường đại học quan tâm là làm thế nào để có thể kết nối với các doanh nghiệp. Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, các trường đại học lớn có đội ngũ giảng viên và sinh viên tài năng. Đây chính là “mỏ vàng” với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp “bắt tay” với các trường đòi hỏi các trường cần giải những bài toán cụ thể, xuất phát từ thực tiễn. “Chúng tôi mới thành lập một trung tâm về trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn. Khi đề nghị các sinh viên là ai thực sự muốn học, muốn làm đề án thật sự về Quy Nhơn đã thu hút rất nhiều em từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về Quy Nhơn. Có nghĩa là, muốn đổi mới sáng tạo, cần phải đặt bài toán lớn từ thực tiễn. Chính những bài toán lớn từ thực tiễn sẽ làm cho cả giảng viên và sinh viên hào hứng, bởi họ biết khi giải được bài toán đó bằng đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra giá trị thực”, ông Tiến chia sẻ.