Triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP

Thúc đẩy doanh nghiệp vượt đại dịch

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 12:04 - Chia sẻ
Cùng với việc ban hành nhiều gói chính sách hỗ trợ như Nghị quyết số 42/NQ-CP; Nghị quyết số 68/NQ-CP…, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid -19 với nhiều quy định hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua “sóng Covid -19”. Cộng đồng doanh nghiệp đang nóng lòng chờ những hiệu ứng tích cực từ Nghị quyết số 105/NQ-CP.

Khó chồng khó

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Nam đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Giãn cách, phong toả diện rộng và kéo dài khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể kéo dài. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP. Hồ Chí Minh tháng 8.2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông-ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.

Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (Nguồn ITN)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ trước khi đợt bùng phát mùa hè 2021, năng lực sản xuất của nhóm đồ uống đã ở mức dưới 80% so với trước đại dịch. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đồ uống đang chịu tác động kép kể từ khi dịch bệnh Covid -19 bắt đầu. Trong bối cảnh các thành phố lớn đều giãn cách, hạn chế tụ tập ăn uống, tình hình kinh doanh sụt giảm, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh; tại một số địa bàn như TP. Hồ Chí Minh do dịch diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại, việc giao hàng trở nên khó khăn và gần như không giao tận tay cho người tiêu dùng được. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành đang ở tình trạng “treo xà” và nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và nền kinh tế hoạt động lại một cách bình thường, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải “buông tay” rơi vào tình trạng phá sản.

Hiện thực hóa những hỗ trợ

Cộng đồng doanh nghiệp chờ những chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết (Nguồn ITN)

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Đặng Văn Sơn cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh Thủ Tướng Chính Phủ, tại cuộc họp ngày 29. 8.2021, đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tức là chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” hiện nay sang mục tiêu “Sống chung với Covid”. Quan điểm này phù hợp với quan điểm của WHO nêu ngày 7. 9. 2021 và quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đồng tình với nhận định của ông Sơn, đại diện 14 Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới” thống nhất quản lý trên toàn quốc để vừa từng bước phù hợp phục hồi kinh tế, mà vẫn kiềm chế được dịch.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho rằng, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch  phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị số 15,16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”. Chỉ thị mới cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện Phòng chống dịch - phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Đại diện Hiệp hội Bia – Rượu- Nước giải khát Việt Nam rất kỳ vọng sang đầu quý 4.2021: Chính phủ thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện như Chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước; Bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; cho phép cộng lãi xuất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng; gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn…

Trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành Phòng chống dịch cho các tổ chức/doanh nghiệp. Không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt. (Đề xuất của 14 Hiệp hội doanh nghiệp)

Đình Khoa