Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu
20 năm trước, huyện miền núi Chư Sê là vùng đặc biệt khó khăn với gần 48% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chư Sê đất rộng, người thưa nhưng cuộc sống của họ chỉ trông vào nguồn tự cung tự cấp với phương thức sản xuất lạc hậu, chủ yếu là phát, đốt, chọc, trỉa. Thêm vào đó, vốn liếng thiếu trầm trọng, vì thế tỷ lệ hộ nghèo lên đến 40,11%...
Đau đáu với cuộc sống vất vả của bà con, các thế hệ lãnh đạo Chư Sê rất chú trọng đến công tác giảm nghèo. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động cụ thể nhằm huy động cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc và tập trung các nguồn lực, các nguồn vốn đầu tư giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, 3 năm qua, toàn huyện có 2.315 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 6,24%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,17%; hầu hết các xã được đưa ra khỏi danh sách xã vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, từ khi được các chương trình, dự án của Nhà nước, trong đó phải kể đến nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quản lý hỗ trợ, đầu tư mạnh mẽ, miền đất cao nguyên Chư Sê thực sự trở mình; đất trống, đồi trọc Chư Sê được phủ một màu xanh bạt ngàn của hàng vạn héc ta cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu; thôn làng trù phú, không còn cảnh tiêu điều, vắng lặng như trước; đời sống người Gia Rai, Ba Na ngày càng no đủ.
Già làng A Mơ, xã Ia Blang - Puh Lách cũng bất ngờ trước sự đổi thay của quê hương, hồ hởi nói "thật là diệu kỳ, thần kỳ hơn cả thần rừng, thần núi. Mới đó thôi cái đói, cái nghèo khắp thôn làng đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng bởi sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước cùng với kết quả đầu tư của NHCSXH".
Chủ tịch UBND huyện Chư Sê kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT - NHCSXH huyện Rmah H Bé Nét khẳng định, nguyên nhân làm nên sự diệu kỳ trên cao nguyên Chư Sê có nhiều nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là NHCSXH đã tập trung vốn tín dụng gần 480 tỷ đồng ưu tiên đầu tư cho hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn và các đối tượng chính sách.
Nguồn vốn là trụ cột
Đúng như đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Rmah H Bé Nét, nguồn vốn tín dụng chính sách đã chuyển về tận tay các hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn 15 xã, thị trấn trở thành "trụ cột" đối với công cuộc giảm nghèo.
Có kết quả này, theo giám đốc NHCSXH huyện Chư Sê Nguyễn Đình Lý, trước hết do cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định việc giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, vừa cơ bản vừa lâu dài để từ đó tạo điều kiện cho NHCSXH tập trung huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối, trong đó, chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động.
Cụ thể, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", HĐND và UBND huyện Chư Sêđã ưu tiên chuyển 11,5 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH, nâng tổng nguồn vốn chính sách toàn huyện đến 30.6.2024 đạt 473 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 34 tỷ đồng.
Cũng từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể với việc tiếp nhận các nguồn lực, nguồn vốn ở nhiều nơi, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH huyện đã kiên trì, năng động đổi mới quy trình thủ tục, phương thức cấp tín dụng, xây dựng và củng cố 260 tổ tiết kiệm và vay vốn, 15 điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, thị trấn… đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng nhu cầu sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhờ vậy, ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh, dòng vốn chính sách vẫn được khơi thông, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Về Auyn - xã khó khăn nhất của huyện Chư Sê, nơi sinh sống của 871 hộ đồng bào DTTS sẽ thấy, nguồn vốn chính sách đã làm thay đổi diện mạo Auyn ra sao. Đích thân giám đốc NHCSXH cùng cán bộ huyện xuống tận xã, về từng thôn gặp gỡ các hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS để trực tiếp hướng dẫn họ cách vay vốn ưu đãi thuận lợi, cách sử dụng vốn vay vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Từ đây, nhiều gia đình nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Xã Anh hùng Ia Blang cũng vậy, nhờ có nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời, các thôn làng trong xã đã về đích nông thôn mới và đang xây dựng nông thôn mới nâng cao. Kế nữa là 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi thuận lợi. Đồng vốn từ NHCSXH đã giúp cho miền quê này thay đổi nhanh chóng, với các vườn hồ tiêu và cà phê xanh mướt, đàn trâu bò béo mập, cùng hàng trăm hộ gia đình đồng bào DTTS đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Tiêu biểu phải kể đến ông Rơ Mah Brê (làng Nhã) được mọi người nhắc đến như một hình mẫu giảm nghèo bền vững. Ông Rơ Mah Brê bộc bạch: "Ruộng rẫy nhiều nhưng mình chỉ trồng mì, lúa, bắp. Mình chăm chỉ làm lụng nhưng cuối năm chẳng thu được bao nhiêu, thậm chí còn bị đói. Mãi đến năm 2000, mình mới dám vay vốn NHCSXH học theo người Kinh trồng hồ tiêu, cà phê…"
3 năm sau, trong vụ thu hoạch đầu tiên, ông Brê thu được 1,5 tấn hồ tiêu, với giá 100.000 đồng/kg; ông Brê đã trả bớt nợ ngân hàng. Đến vụ thu hoạch thứ 2 thì ông hoàn trả hết vốn và có lãi. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 300 trụ hồ tiêu và cứ thế vườn của gia đình ông lên đến 1.000 trụ. Ngoài ra, ông còn trồng 700 cây cà phê và 7 sào lúa nước.
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Chư Sê đã khơi dậy khát vọng thoát nghèo, làm giàu của đồng bào DTTS. Cũng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, vùng miền núi dân tộc trên Tây Nguyên đã xích lại gần với miền xuôi, nghèo khó đang được đẩy lùi.