Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển chủ trì hội thảo.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 chương, 70 điều; bám sát hai nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết số 26/NQ-CP, gồm: hoạt động công nghiệp công nghệ số, bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số.
Nội dung dự thảo Luật tập trung quy định về: phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; sản phẩm và dịch vụ công nghệ số; nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Góp ý tại hội thảo, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật bởi công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh, từ năm 2015 - 2023 tăng trưởng khoảng 11%/năm. Như vậy, Luật Công nghiệp công nghệ số ra đời sẽ là hành lang pháp lý, chính sách đột phá nhằm thúc đẩy công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn, kịp thời nắm bắt xu thế phát triển công nghệ; thu hút, đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu vào Việt Nam.
Liên quan đến phạm vi, nội hàm của dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng là phải xác định Luật Công nghiệp công nghệ số là luật chuyên ngành hay là luật tổng hợp để hỗ trợ, thúc đẩy, bổ trợ cho các ngành nghề khác. Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.1.2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì dự luật này có thể được coi là một luật chuyên ngành. Theo đó, công nghiệp công nghệ số được coi là một ngành công nghiệp nền tảng, như vậy, có cơ sở chính trị để coi Luật Công nghiệp công nghệ số là luật chuyên ngành hơn là một luật mang tính chất tổng hợp.
Đối với quy định về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số, cần thống nhất, xác định rõ hơn nội hàm và phạm vi hỗ trợ. Đơn cử, trong khu công nghiệp công nghệ số có bao gồm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp phụ trợ trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của lĩnh vực này hay không?
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu và bổ sung một số quy định vượt trội hơn cho các dự án về công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là những dự án rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Ghi nhận những ý kiến góp ý hữu ích, sâu sắc, có tính chuyên môn cao của các chuyên gia, nhà khoa học, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp đầy đủ để có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan chủ trì thẩm tra, phục vụ quá trình cho ý kiến, thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật.