Thúc đẩy bình đẳng giới để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

13/11/2012 11:00

Tính đến 8 tháng của năm 2012, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta đã ở mức 112,67 trẻ trai/100 trẻ gái. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì theo tính toán, đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ “dư thừa” hơn 4 triệu nam giới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự phân biệt đối xử về giới. Vì vậy, thúc đẩy bình đẳng giới chính là giải pháp lâu dài, hiệu quả giải quyết tình trạng chọn lựa giới tính khi sinh.

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) là tỷ số giữa trẻ em trai sinh ra sống so với trẻ em gái sinh ra sống trong cùng một khoảng thời gian. Trong trường hợp không có sự can thiệp, tỷ số này phổ biến ở hầu hết các dân số là 105- 107 trẻ trai trên 100 trẻ gái.

Số liệu từ các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm do Tổng cục Thống kê tiến hành và Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009 cho thấy, ở Việt Nam, mất cân bằng GTKS đã bước vào mức cao, tốc độ gia tăng nhanh và ngày càng lan rộng. Năm 2009, Việt Nam được chia ra 6 vùng KT- XH thì chỉ còn duy nhất vùng Tây Nguyên có TSGTKS ở mức bình thường (105), 5/6 vùng còn lại đều đã có tình trạng mất cân bằng GTKS. Trong đó khu vực đồng bằng sông Hồng có tỷ số GTKS cao nhất 113,6%, có những tỉnh lên đến 120- 130.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhận định, từ khi xác định được một cách rõ rệt tình trạng mất cân bằng GTKS đến nay, trong 6 năm qua, TSGTKS ở Việt Nam tăng nhanh và tăng liên tục. Ở một số nước khác, để đạt mức TSGTKS là 110 phải qua thời gian 10 năm, trong khi đó ở Việt Nam chỉ khoảng 5 năm. Tính đến 8 tháng của năm 2012, TSGTKS ở nước ta đã ở mức 112,67.

Theo Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong những năm sắp tới, TSGTKS ở Việt Nam có thể tiếp tục tăng, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ có thể ngày càng lan rộng về mặt địa lý và ở các nhóm KT- XH khác nhau.

Dự báo về những biến đổi TSGTKS của Việt Nam đến năm 2050, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã đưa ra 3 kịch bản mô phỏng. Theo đó, với phương án tích cực, TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 115 vào năm 2020, sau đó giảm dần và trở về mức 105 vào năm 2025. Ở phương án quá độ, TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 120 vào năm 2020, sau đó giảm dần và về mức 105 vào năm 2030. Ở phương án không can thiệp, TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 125 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho tới năm 2050. Theo tính toán, trong cả 3 kịch bản trên, đến năm 2050, chênh lệch số nam và nữ ở Việt Nam sẽ từ 2,3 - 4,3 triệu người. Tức là nước ta sẽ có thể “dư thừa” hơn 4 triệu nam giới vào thời điểm trên.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số của Việt Nam trong tương lai. Việc dư thừa nam giới trong xã hội để lại các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng. Thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các trẻ em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Tình trạng này còn có thể kéo theo sự gia tăng về nhu cầu mại dâm, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, hôn nhân vụ lợi và tội phạm tình dục… Bên cạnh đó, sự thiếu hụt phụ nữ dẫn tới sự suy giảm tỷ lệ sinh và xa hơn là giảm tổng dân số cũng như nhóm người trong độ tuổi lao động, thúc đẩy quá trình già hóa dân số. Mất cân bằng giới tính cũng sẽ ảnh hưởng tới tình trạng thừa lao động nam, làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường lao động và bản thân nam giới sẽ khó kiếm việc làm. Không những thế, phụ nữ sẽ càng khó tìm việc hơn hiện nay. Trong một số ngành công nghiệp, phụ nữ sẽ bị thay thế bởi nam giới.

Có thể thấy, sự gia tăng nhanh chóng TSGTKS ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu là do việc lựạ chọn giới tính trước khi sinh. Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Mandeep K.O’Brien cho rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh ở châu Á và Việt Nam chủ yếu là do việc lực chọn giới tính trước khi sinh, xuất phát từ những chuẩn mức văn hóa có từ lâu đời về việc ưa thích con trai và đánh giá thấp giá trị trẻ em gái. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này xuất phát từ tâm lý ưa chuộng con trai trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam nói riêng và của người phương Đông nói chung. Trong truyền thống của người Việt Nam, con trai là người duy trì dòng họ, thờ cúng tổ tiên, là người chăm sóc, hỗ trợ cha mẹ khi về già và cũng là lực lượng lao động chính trong các công việc nặng nhọc là nguyên nhân gốc rễ của tâm lý phải có con trai, muốn có con trai.

Bên cạnh đó, những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ, mỗi gia đình chỉ có 1- 2 con, cũng tạo áp lực đối với các cặp vợ chồng bằng mọi cách phải có con trai. Cùng với tâm lý đó, sự xuất hiện và sẵn có của các dịch vụ y tế hiện đại, nhất là các kỹ thuật lựa chọn giới tính trước khi sinh, đã bị lạm dụng trở thành nguyên nhân trực tiếp của việc chọn lọc giới tính thai nhi.

Như vậy, mất cân bằng giới tính khi sinh có nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố kinh tế, xã hội; việc thay đổi hành vi, phong tục tập quán đã có từ ngàn đời nay không hề dễ dàng và một sớm một chiều. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề mất cân bằng giới tính và loại bỏ những hệ lụy không đáng có của nó, cần có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ tháo gỡ những nguyên nhân từ sâu xa đến trực tiếp của tình trạng này. Trong đó, thúc đẩy bình đẳng giới được coi là giải pháp lâu dài nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng chọn lựa giới tính khi sinh.

Dưới góc độ bình đẳng giới, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ, TB và XH Vũ Ngọc Thủy cho rằng, trước hết cần tăng cường xây dựng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và chính sách hỗ trợ người mẹ nhằm nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ bình đẳng với nam giới trên các lĩnh vực. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho phụ nữ, dẫn đến tăng thu nhập của họ là cách hiệu quả nhất để tăng giá trị của phụ nữ trong con mắt của cha mẹ và xã hội.

Theo bà Mandeep K.O’Brien, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc thực hiện truyền thông thay đổi hành vi toàn diện để giải quyết sự phân biệt đối xử về giới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, xã hội dân sự, cán bộ y tế, đại diện chính quyền và các cặp vợ chồng trẻ. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hiệu lực của các quy định cấm lựa chọn giới tính khi sinh; xây dựng chính sách hỗ trợ đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi…
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thúc đẩy bình đẳng giới để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO