Hướng tới thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước
TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật khẳng định, việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu của Quyết định số 25 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ gắn liền với quyền lợi của người dân.
Công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính nghiêm minh, gương mẫu và thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, cũng như trong việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phục vụ người dân. Việc triển khai các nhiệm vụ này cũng là cơ sở quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chuẩn tiếp cận pháp luật.
Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật được đánh giá từ năm 2022 thông qua Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15.11.2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Theo đó, công tác này không chỉ nhằm đánh giá mà còn giúp các cấp chính quyền nhận diện rõ nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Điều này bảo đảm rằng người dân có quyền tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ dàng, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng.
Trong đánh giá nông thôn mới, đô thị văn minh, tiêu chí tiếp cận pháp luật được xác định là tiêu chí thành phần của 3 Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp phải thực hiện là: Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn; nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Theo đại diện Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2023 và 2024, các huyện, thị xã và thành phố đã tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương, tổ chức kiện toàn Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Theo thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 15.2.2024, toàn tỉnh đã có 532/559 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023, chiếm tỷ lệ 95,17%. Điều này cho thấy sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời xây dựng một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng.
Bảo đảm sâu sát và kịp thời
Thảo luận về những vấn đề phát sinh trong thực tế, không ít ý kiến cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các xã đã tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính. Điều này đòi hỏi có sự chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan có thẩm quyền.
Việc xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số nơi có mặt còn hạn chế, chưa sát với tình hình, chưa bảo đảm thực chất. Sự phối hợp của các ban, ngành liên quan ở một số đơn vị trong phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được thường xuyên, chặt chẽ, còn tình trạng "khoán trắng" cho công chức tư pháp. Việc chỉ đạo, kiểm tra của UBND cấp huyện, cấp xã trong xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từng lúc, từng nơi chưa sâu sát, chưa thường xuyên để kịp thời có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế.
Ngoài ra, vấn đề hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng là khó khăn mà nhiều nơi đang gặp phải. Đại diện các địa phương mong muốn có sự hỗ trợ từ Trung ương trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động hòa giải, đồng thời cơ chế tài chính cần minh bạch hơn để thúc đẩy hoạt động này được triển khai hiệu quả.
Gợi mở những hướng đi mới trong đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, TS. Ngô Quỳnh Hoa cũng nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, không chỉ dừng lại ở cán bộ mà còn mở rộng ra toàn cộng đồng để mọi người dân đều có thể tiếp cận và thực hiện quyền của mình.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước mà còn cần sự tham gia tích cực từ cộng đồng. Thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sẽ hướng tới xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, giúp bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mỗi công dân.