Di dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế

Thuận lợi bởi xuất phát từ nguyện vọng nhân dân

- Thứ Bảy, 27/06/2020, 12:37 - Chia sẻ
Theo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, được sự thống nhất của Chính phủ, Quốc hội, sự đồng thuận cao của các hộ dân, cuộc di dân lịch sử ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế đang được tiến hành tương đối thuận lợi. “Đến nay, các hộ dân đã bàn giao mặt bằng khu vực Thượng thành, các lực lượng đang thu dọn để trả lại mặt bằng cho di tích”.

Đã di dời hơn 500 hộ

Cuộc di dân ra khỏi khu vực 1 kinh thành Huế được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 di dời 2.938 hộ  4 khu vực thượng thành, tuyến phòng lộ, hộ thành hào và eo bầu. Đến nay cơ bản đã di dời ra khu vực Thượng thành hơn 500 hộ, phần còn lại Thừa Thiên Huế quyết tâm di dời trong năm nay. “Đây là khối lượng công việc tương đối lớn, nhưng với quyết tâm và lấy mô hình từ thí điểm di dân trong khu vực Thượng thành, chúng tôi đang huy động nguồn lực để xây dựng công tác dân cư, kiểm đếm, áp giá, xác minh nguồn gốc một cách liên tục” - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trò chuyện với người dân Thượng Thành trong một lần cùng họ tham quan khu tái định cư Hương Sơ - Nguồn: baothuathienhue.vn
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trò chuyện với người dân Thượng Thành trong một lần cùng họ tham quan khu tái định cư Hương Sơ - Nguồn: baothuathienhue.vn

Công trình xây dựng hạ tầng khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ khu vực 1 và khu vực 2 có 9,98 ha với kinh phí 116 tỷ đồng đã hoàn thành và giao đất cho các hộ tại khu vực Thượng thành để xây dựng nhà và ổn định cuộc sống. Tỉnh đang xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống cho 25 hộ nghèo, giá trị mỗi căn 202 triệu đồng với phương thức chìa khóa trao tay. Thừa Thiên Huế cũng đang tiến hành khởi công xây dựng hạ tầng để phục vụ bố trí tái định cư cho các hộ tại khu vực Eo Bầu, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9. Khu vực tái định cư 5, 6,7 và 8 sẽ tiến hành khởi công vào ngày 15.7 để bố trí cho các khu vực di dời còn lại, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ gọi đây là cuộc di dân có tính lịch sử, vừa bảo vệ di sản, trả lại đất cho di sản, vừa bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy giá trị di sản, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con. Công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi nhờ xuất phát từ nguyện vọng, sự đồng thuận cao của các hộ dân thuộc đối tượng di dời, sự chỉ đạo tâm huyết của Thủ tướng và các bộ, ngành, sự quan tâm của các cơ quan Quốc hội, sự sẵn sàng với trách nhiệm cao của các cấp chính quyền. Tuy vậy, đây là cuộc di dân lớn, với quy mô vượt tầm của tỉnh, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Quốc hội, của người dân trong nước cùng chung tay góp sức, thực hiện cuộc di dân lịch sử này với Thừa Thiên Huế.

“Phải bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Kiểm tra tiến độ dự án đầu tư hạ tầng khu tái định cư dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế chiều 26.6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong thực hiện cuộc di dời dân cư này. Đây được coi là “cuộc cách mạng” giúp người dân có được cuộc sống tốt hơn, đồng thi trả lại hiện trạng cho di tích. Bộ trưởng đề nghị người dân tiếp tục đồng thuận cao với tỉnh để công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đồng hành với tỉnh, tham mưu Trung ương có những hỗ trợ, giúp đỡ địa phương về nguồn lực để dự án sớm hoàn thành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiểm tra tiến độ dự án đầu tư hạ tầng khu tái định cư dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế - Nguồn: thuathienhue.gov.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiểm tra tiến độ dự án đầu tư hạ tầng khu tái định cư dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế - Nguồn: thuathienhue.gov.vn

Về kế hoạch sau khi hoàn thành việc di dân, trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, “chúng tôi phải bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đó là việc khó, nghĩa là sinh lợi từ hoạt động du lịch là chính. Chúng tôi không thể chuyển nhượng đất, hay dựng công trình để làm dịch vụ khác.

Tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xây dựng phương án để bảo tồn và phục hồi thích nghi khu vực này. Trước mắt, sau khi di dân, công việc dọn dẹp, bàn giao mặt bằng cũng hết sức quan trọng, và đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, “việc này chúng tôi sử dụng nguồn xã hội hóa, tranh thủ các ngày Chủ nhật xanh huy động lực lượng thanh niên, công an, quân đội để cùng thu dọn những gì còn ngổn ngang sau khi người dân di dời. Tiếp theo, bảo vệ cảnh quan môi trường, có phương án phục hồi, phát huy giá trị, cải tạo các khu vực này đón khách tham quan, thưởng ngoạn, tạo ra điểm mới và tạo nguồn thu cho du lịch. Đó là hướng lâu dài.

PV