Thừa ra một người (Phần 1)
Truyện ngắn của Văn Thành Lê
>> Thừa ra một người (Phần cuối)
|
1. Đống lửa trại tắt dần. Củi cũng đã hết. Thi thoảng vài tàn lửa gặp gió bốc lên, bay lả tả, nổ lép bép. Những củ khoai lang, khoai mì, khoai tây… được học trò moi ra từ hồi nảo hồi nào. Nếu còn sót lại chắc vừa kịp thành cacbon. Một số bắt đầu uể oải về trại riêng của lớp.
Buổi tối quậy đủ trò tưng bừng như vắt kiệt sức lực nàng. Nàng lờ mờ cảm thấy cơ thể như đang muốn chống lại ý nghĩ của mình. Đúng lúc ấy điện thoại rung. Nàng vừa đưa máy lên tai, ấn nút nghe thì có một tràng xối xả của chú bảo vệ “Cháu ra đằng trước, chỗ lớp 12A1, nhanh đi, học sinh lớp cháu nhảy lầu tự tử”. Nàng tá hỏa. Chuyện gì nữa đây? Năm vừa mới về trường cũng hội trại, sáng ra một giáo viên điểm danh sĩ số lớp thì thiếu một em. Tìm mãi mới ra nữ sinh trong bụi rậm phía sau trường, trên người áo xống xộc xệch, te tua. Miệng mếu máo. Mắt rưng rức. Nay trường khang trang hơn. Công tác quản trại cũng xiết chặt hơn. Tưởng sẽ chẳng thể có chuyện gì. Vậy mà. Lần trước là trò làm tăng dân số. Giờ lại trò giảm dân số. Thế có bực không chứ. Phen này lãnh đủ mất thôi.
Nàng ra đến nơi thì chú bảo vệ đã kịp đưa học trò vào phòng y tế. Là Nguyên. Trời ạ, Nguyên lớp trưởng, một học trò nàng tin tưởng nhất. Sao Nguyên lại có hành động trời đánh này? Tất nhiên đó chỉ là ý nghĩ trong đầu nàng. Khi chạy vào đến giường nàng kịp nén lại.
- Sao, em sao rồi? Cháu cảm ơn chú. Nàng vừa hỏi Nguyên vừa quay qua nói với chú bảo vệ.
- Dạ, không sao cô ạ. Chỉ hơi trật cẳng chân một chút. Em xoa dầu sẽ khỏi.
- Mà sao lại nhảy từ lầu xuống?
Lúc ấy chú bảo vệ đã bàn giao lại Nguyên cho nàng. Nên cuộc nói chuyện giữa cô và trò diễn ra thoải mái như thường lệ.
- Tại cậu ấy không đồng ý yêu em.
Ối trời! Hóa ra cu cậu đứng lơ ngơ khi nãy đấy. Thấy nàng vào đã lí nhí chào rồi lẩn mất lúc nào không hay.
- Mày nhu lắm em ạ. Có biết cái chết vì tình yêu bọ xít là cái chết nhăng nhít lãng xẹt nhất không? Mà em đã hiểu tình yêu là thứ gì chưa, sao đòi chết vì nó?
Chỗ này phải mở ngoặc chút. “Nhu” trong từ điển giáo viên trường này được hiểu là “ngu”. Vì không được nói học sinh ngu khi bức xúc nên một giáo viên đã phát minh ra từ này để không lo bị kiện cáo. Bản thân nàng không mặn mà với từ “ngu” lắm nên cũng không dùng từ “nhu” bao giờ. Nhưng đến nước này nàng phải buột miệng ra với cô học trò cưng.
- Dạ. Nhưng em chưa ngu đến mức như cô nghĩ đâu. Em chỉ tính dọa bạn ấy. Định dọa cho bạn ấy sợ phải nhận lời. Ai ngờ bạn ấy cũng lì. Con trai gì mà kiêu. Thế là em nhảy. Cô biết em học vovinam ba năm còn gì. Nhảy xuống bám một nhịp vào cành phượng rồi mới tiếp đất thì đơn giản. Không ngờ bóng điện sân trường tối quá em nhìn không rõ. Hóa ra cành phượng khô. May mà có đống đất trường mới mua về chưa kịp bón cho cây.
- Đống đất ấy khi sáng cô thấy bác lao công mới trộn phân hóa học. Xem ra tình yêu của em vùi trong phân rồi. Lo mà học đi. Chưa gì đã hoắng lên. Vào đại học đi rồi cô truyền cách tán trai cho. Vừa nói nàng vừa gí ngón tay trỏ vào trán học trò tinh nghịch.
- Cô lo cho cô đã xong đâu. Theo cách cô lại những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng à? Sến lắm. Giờ giỏ xe mà chở hoa phượng tình yêu nó rẽ nước chạy không buồn sủi tăm.
- Á à, tinh tướng. Lo mấy phương trình, phản ứng, đạo hàm, tích phân… đi đã, nhé. Lại thêm một cái cốc vào trán nữa khiến cô học trò nhỏ chỉ biết nhăn mặt chu môi kêu oai oái.
2. Nàng đi dạy mới được ba năm. Không hiểu sao năm nào cũng bị dính một hai sự vụ gì đó với lớp chủ nhiệm. Toàn những sự cố trên trời rơi xuống. Nàng thấy mình có cao lớn gì cho cam mà ông cao xanh lại cứ giáng trúng đầu.
Năm đầu tiên mới hết học kỳ một, học sinh bỏ học đi lấy chồng. Gọi điện về gia đình thì được biết “em nó hai ngày nay chưa về nhà”. Chết thật. Vậy mà không phản ảnh gì với nhà trường. Hỏi lại mấy học trò chơi thân trong nhóm thì “sáng trước bạn ấy có đi học, nhưng đến cổng trường có người yêu đến đón rồi đi chơi luôn”. Giờ gọi điện thoại toàn nghe ò í e. Không liên lạc được. “Bạn ấy nói đi chơi vài ngày rồi sẽ về”. Thôi chịu. Chỉ còn cách đợi chứ biết làm sao. Có ngồi trên đống lửa cũng phải cắn răng đợi. Bảy ngày sau có tin. Ra là học trò về quê bạn trai tận Hà Tiên để ngắm cảnh bình minh nơi tận cùng tổ quốc. Lãng mạn thế thì cô chịu rồi. Mẹ học trò gọi điện nói “Em nó về rồi cô ạ. Nhưng nó sợ bố không dám về nhà. Giờ nó ở hẳn bên nhà thằng kia. Một hai đòi bỏ học để cưới. Cô xem có cách gì khuyên nhủ em với”. “Dạ dạ. Chiều em sẽ qua ngay. Chị nói anh nhà bình tĩnh, nóng quá khéo hỏng chuyện”. Đến nhà học trò, thấy cám cảnh quá. Trong nhà chẳng có gì, ngoài gió lùa tứ bề. Vườn cỏ mọc um tùm. Cỏ nhiều và cao hơn cả mấy cây rau. Bố mẹ đều đi làm thuê. Nhưng vẫn muốn con học hết mười hai với người. “Nó lấy chồng giờ thì biết gì? Làm được gì? Không lẽ lại khổ hơn đời bố mẹ”. Nghe mà không cầm được lòng. Vậy phải xuống nhà kia ngay. Đến gặp cả bố của cậu bạn trai. Ông xưng với nàng một tiếng cô hai tiếng cô. Nhưng xem ra lại xuôi chiều theo con. “Ngày xưa mình đặt đâu con cái ngồi đấy nhưng giờ chúng đặt đâu mình phải ngồi đấy, cô ạ”. Ông nhã nhặn lịch sự gọi ba ly cà phê đen ở quán vỉa hè cạnh đấy. Nàng không dám uống. Chưa uống mà đã thấy đắng nghẹt ở cổ. Uống vào chắc chết quá. Tiếp chuyện một hồi ông xin phép đi làm. Cả nhà mãi tận Hà Tiên lên đây thuê nhà trọ rồi xẻ cá thuê dưới bến cá. Còn lại nàng với hai mẹ con học trò. Lúc này nàng mới phân tích phải trái dưới trên. Nào là em chưa đủ điều kiện để bước vào chuyện hệ trọng ấy. Về pháp luật, pháp luật không cho ai kết hôn khi chưa đủ mười tám tuổi. Về tâm lý, em chưa đủ trưởng thành để sống cuộc sống gia đình riêng. Cô đây này, nhiều lúc cô còn thấy mình trẻ con huống hồ em. Về kinh tế, bạn trai em cũng làm thuê, rồi giờ em cũng thế, liệu có nên không? Mọi thứ không chỉ màu hồng như em và bạn dệt ra đâu. Nàng đã nói rất dài, rất nhiệt huyết. Mong vớt vát học trò ra khỏi vũng lầy mới lớn kia. Học trò ngồi yên, cúi mặt. Thi thoảng dạ lí nhí với câu nào nàng có câu hỏi đuôi “phải không?” Phụ huynh sụt sịt khóc theo nhịp. Quán gần đấy mở bài hát có đoạn lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn. Vậy là đi hết một buổi chiều. Mong qua đêm bình minh nở trên môi người. Nhưng không. Bình minh lên mà nụ cười không kịp nở. Tuần sau học trò trong lớp nói bạn ấy cưới rồi cô ạ. Một đám cưới buồn tê tái. Nàng nghe cũng thấy tái tê buồn.
Năm thứ hai chưa kịp hết học kỳ hai, nàng hay tin công an báo về trường một học sinh trong lớp bị bắt trong vụ cướp tiệm vàng ở thị trấn huyện kế bên. Hỏi ra mới biết bị rủ rê. Chỉ có dao với mấy khẩu súng giả. Cũng bịt mặt như quân khủng bố Trung Đông. Hành sự xong một ngày sau bị công an bắt gọn cả dây. “Bạn ấy chỉ đi theo cô ạ”. Một học sinh trong lớp nói. Đi theo cũng là đồng bọn. Tưởng chưa đủ tuổi để bị kết án. Ai dè học trò trước khi vào lớp nàng chủ nhiệm đã lưu ban hai năm, trước lại đi học muộn. Thành ra dư tuổi để phải thụ án. Nàng và cả lớp ớ người. Bình thường trên lớp học trò ấy sôi nổi nhiệt tình. Còn xung phong làm lớp phó văn thể mỹ. Một cây nhảy hip hop và đọc popping của trường. Vậy mà vào tù cải tạo. Mỗi lần nghĩ tới ánh mắt của cậu học trò lúc nghe nhận án là nàng lại bủn rủn chân tay.
3. Bước chân vào trường nàng gặp ngay cô hiệu phó. Cô hỏi “Lớp em tối qua có trường hợp tự tử à?” Nàng “Dạ vâng. Nhưng không sao cô ạ. Chỉ là hiểu nhầm. Em đã giải quyết rồi. Em nghĩ không nên đưa ra hội đồng trường làm gì. Lại gây xôn xao, chẳng hay lắm”. Cô đồng ý, nhưng đi rồi còn nói với theo “Em cũng xem để ý lại mình. Nhiều người nói em với học trò chẳng phân biệt được đâu là cô đâu là trò”.
Nhanh thật. Chuyện vậy mà loang ra được. Tối qua chuyện chỉ nàng, chú bảo vệ, cô y tá và thêm hai đứa học trò biết. Nàng có dặn chú bảo vệ với cô y tá thôi giữ kín chuyện giúp. Đâu có gì hay ho. Vậy mà sáng nay cô hiệu phó đã biết.
Riêng chuyện không phân biệt đâu là cô đâu là trò thì chẳng cần tai vách mạch rừng ai cũng biết. Không hiểu sao mọi người lại cứ ru mãi ngàn năm điệu ấy, sốt sắng như bị mất cắp đến nơi. Lâu lâu lại một giáo viên gọi nàng ra nói chuyện riêng. Em bảo trò này trò kia chấn chỉnh lại. Ai đời tiết anh/chị mà nó thế kia nó thế này. Nàng chỉ biết ậm ừ cho qua. Vâng vâng dạ dạ rồi lời bay từ tai phải vèo qua tai trái, hay ngược lại trái qua phải, tốc độ di chuyển của âm thanh. Không phải nàng bàng quan nàng thờ ơ. Nàng thấy nàng vào lớp nào học trò cũng há miệng nghe giảng. Có thấy gì đâu. Nên kết luận là anh/chị nói học trò không nghe thì anh/chị phải xem lại xem mình giảng thế nào? Hình như con người luôn có thói quen đổ lỗi cho yếu tố khách quan, ngoài mình, chứ ít khi chịu nhìn lại mình.
Đa số đồng nghiệp thích làm cho học trò sợ bằng vẻ mặt căm hờn lại giục căm hờn. Lớp học là chiến trường. Học trò quậy phá là quân thù. Học trò ngoan có thể là tình báo của quân thù. Chiến tranh xảy ra là chiến tranh hiện đại, không dùng vũ khí thông thường mà là ngôn ngữ, ánh mắt, cơ mặt với nếp nhăn. Phần lớn học trò chỉ sợ trước mặt. Nhưng chúng không nể. Vậy nên mới có chuyện một giáo viên sa sả ca bài ca hy vọng với nhóm học trò ở cuối lớp, cuối cùng chốt lại câu “Thường những thứ cặn bã hay chìm xuống dưới”. Thường ngày nói ra rả lớp đều im re. Bất ngờ hôm ấy một em phía cuối lớp đứng dậy, mặt đỏ gay, cứ như lò xo bị nén hết cỡ nên phải bật ngược theo đúng định luật của nhà vật lý Hooke: “Dạ, cô dạy đúng. Nhưng em thấy chưa đủ. Cặn bã chìm xuống dưới. Còn rác rưởi nổi lên trên nữa ạ”.
Vụ ấy học trò bị phê bình trước cờ vì vô lễ với giáo viên. Nàng thì thấy cô kia cũng quá. Ai đời lại đi nói học trò thế. Khói luôn bắt đầu từ lửa mà. Nghĩ vậy nên nàng luôn xem học trò như bạn. Tính nàng chẳng thích làm thầy ai cả. Một tiết dạy mà không khiến cho học trò cười được vài lần, tranh luận sôi nổi được vài lần, nàng thấy mình thật nhạt. Tiếng cười kỳ diệu lắm, nó làm con người gần lại nhau hơn, và hiểu nhau hơn. Nó xóa được khoảng cách. Có phải vậy không mà học trò chẳng bao giờ sợ nàng. Bù lại, chúng nể nàng. Nàng thì nghĩ nể bao giờ cũng hay hơn sợ.
4. Về trường, nàng ở trong khu tập thể giáo viên. Đấy là một dãy nhà cấp bốn gồm năm phòng, có hệ thống vệ sinh bếp ăn khép kín. Khu tập thể cách trường khoảng 2km. Khoảng cách đủ để có hai quán nhậu thịt rùa thịt thỏ khiến nàng mỗi lần đi qua lại nhớ đến chuyện rùa và thỏ của nhà ngụ ngôn Jean de La Fontaine; thêm quán cầm đồ kết hợp sửa điện thoại, xe đạp với câu trên bảng quảng cáo đẹp như hai vế đối “Mua xe đạp/điện thoại cũ giá cao. Bán xe đạp/điện thoại cũ giá thấp” khiến nàng tủm tỉm cười. Kinh doanh vậy lỗ to à, làm từ thiện à? Thật toàn những người vui tính.
Ở khu tập thể chỉ có giáo viên trẻ, chưa lập gia đình. Ngay chiều đầu tiên nàng được chào đón bằng một chầu nhậu. Khi chầu nhậu vào hồi một số giáo viên nam tê tê, nàng được chứng kiến sự kiện động trời, ít nhất là trong cái đầu non nớt của nàng lúc ấy.
Một nữ sinh gọi điện cho anh thầy thể dục, nói thầy ra cổng cho em gặp chút. Anh thầy nói “Em về đi. Có gì mai thầy lên lớp sẽ gặp. Thầy đang bận”. Được lúc lại nghe điện thoại anh thầy đổ chuông. Nhìn ra cổng nữ sinh vẫn kiên định cố thủ như chuẩn bị ôm bom ba càng lao vào. Anh thầy miễn cưỡng đi ra. Vừa tới cổng thì bị nữ sinh vít cổ xuống hôn cái chụt. Kèm theo câu “Thầy hèn lắm”. Nhanh tới nỗi anh thầy không kịp phản ứng gì. Quá ngoạn mục. Lúc ấy chỉ có bóng đèn ở cổng làm chứng. Nàng và cả hội nhìn qua cửa sổ thấy loáng thoáng, nhưng câu nói của nữ sinh thì nghe không sai được, thậm chí còn mô tả được cả âm vực và cao độ của lời.
Sau này nàng phụ trách câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên của trường mới biết câu chuyện trên chẳng thấm tháp vào đâu. Có lần một học trò nữ gọi điện gần nửa đêm, hấp tấp hỏi “Cô ơi tinh trùng ở ngoài sống được bao lâu ạ? Nếu hai người làm như vậy như vậy thì khả năng có bị dính bầu không ạ?” Trả lời, an ủi, khuyên nhủ học trò xong nàng hết hồn. Kiểu này chẳng mấy chốc khéo chúng làm thầy mình. Mình toàn nói lý thuyết chứ thực tế thì biết ất giáp gì đâu.
Trở lại với anh thầy thể dục đắt hàng trong mắt nữ sinh. Không phải chỉ mình anh thầy ấy. Hầu như anh thầy thể dục nào cũng có lợi thế. Bởi cái mã khá ổn. Thi vào thể dục thể thao ít nhất phải qua khâu cân đo đong đếm ngoại hình. Cộng thêm sự tương phản kém cỏi của các thầy cô khác. Bởi vậy trong trường thầy dạy thể dục luôn là ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao. Có một thực tế học sư phạm phần nhiều là con em xuất thân nông thôn hay diện chính sách. Nói cho vuông là gia cảnh thấp, ít sáng sủa. Chọn sư phạm để không phải lo học phí. Nhìn sinh viên sư phạm với sinh viên kinh tế, ngoại thương, y dược, thương mại sẽ biết ngay. Dù thời nàng sư phạm vẫn đang là ngành hot, đầu vào cao không thua gì mấy ngành kia, nhưng xét ngoại hình dân sư phạm đa số như vịt bầu, bên kia là thiên nga. Không thiên nga thì cũng phải sâm cầm trong tiếng sâm cầm nhỏ vỗ cánh bay về, chứ không phải một con vịt xòe ra hai cái cánh nó kêu rằng quác quác quác quạc quạc quạc.
(Số sau đăng hết)