Tối 5.5, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024) đã diễn ra Chương trình Cầu truyền hình đặc biệt "Dưới lá cờ Quyết thắng" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cầu truyền hình diễn ra tại 5 điểm cầu, trong đó sân khấu chính là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên và 4 điểm cầu tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội; Quảng trường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa, Thanh Hóa; Nhà rông Kon Klor, TP. Kon Tum, Kon Tum; Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Cùng dự tại điểm cầu có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động...
Tham dự tại điểm cầu Quảng trường Ba Đình, Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Đoàn đại biểu Đảng Tập hợp những người Hu-phu-ê vì Dân chủ và Hòa bình (RHDP) cầm quyền ở Bờ Biển Ngà...
Tham dự tại điểm cầu Kom Tum có: Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang...
Tham dự tại điểm cầu Điện Biên có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; lãnh đạo các ban bộ, ngành Trung ương, các cựu chiến binh, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên...
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; đại diện các bộ, ban ngành, lãnh đạo và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Thanh Hóa...
Tham dự còn có đại diện các cựu chiến binh, cựu công an Nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các tỉnh, thành phố nơi tổ chức điểm cầu...
Tại Chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu đã trao hoa và Kỷ niệm chương tặng các cựu chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến... đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tên gọi "Dưới lá cờ Quyết thắng" được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu "Quyết chiến - Quyết thắng" Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22.12.1953, là giải thưởng luân lưu khích lệ toàn quân vượt gian khó, hiểm nguy hăng hái thi đua, lập thành tích, thông qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao được tái hiện toàn cảnh và chân thực.
Với thời lượng 120 phút, cầu truyền hình đưa khán giả quay lại những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.
Mở đầu chương trình, khán giả đến với điểm cầu tại Đồi D1 (Điện Biên) - nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch. Từ nơi đây, có thể quan sát được toàn bộ Lòng chảo Điện Biên. Quân Pháp từng bố trí tại đây Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Algeria rất thiện chiến chiếm giữ. Sau 2 ngày tiến công và giằng co với địch, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi D1, một trong 49 cứ điểm, 3 phân khu trung tâm, 8 trung tâm đề kháng gồm 17 tiểu đoàn, 7 đại đội độc lập, với tổng số 16.200 quân tinh nhuệ nhất của Pháp lúc bấy giờ.
Tiếp đó, Cầu truyền hình đến với Cột Cờ Thủ Ngữ, TP. Hồ Chí Minh - nơi đây, ngày 23.9.1945, khi đại đội quân Anh đến để hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, một tiểu đội tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu, chống trả quyết liệt tới người cuối cùng. Tinh thần quyết tử của các anh đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của quân, dân Nam Bộ trong những ngày kháng chiến.
Tại điểm cầu Hà Nội, khán giả đã được nghe câu chuyện về hoàn cảnh ra đời của bài hát "Người Hà Nội" của Nhà thơ Nguyễn Đình Thi: "Tối 19.12.1946, tôi và đồng chí Trần Huy Liệu nhận lệnh rời Hà Nội về ở trong một ngôi nhà ven sông Nhuệ, khi sau lưng cả Hà Nội đã chìm trong khói lửa của ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Bên cây đàn Piano cũ, những hình ảnh sống động về Hà Nội kiên cường, chiến đấu trong khói lửa để bảo vệ Hà Nội - "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung…", cứ hiển hiện trong đầu. Tứ nhạc và ca từ cứ thế tuôn trào trên phím đàn"...
Tại điểm cầu Thanh Hóa đưa người xem đến với Bình Trị Thiên khói lửa. Sau thất bại Thu Đông 1947, quân Pháp tập trung lực lượng càn quét dữ dội ở Bình Trị Thiên. Đầu năm 1948, chúng liên tục mở các trận càn ở Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, gây ra những vụ thảm sát... Chiến dịch Điện Biên Phủ thành công có sự đóng góp lớn của hậu phương lớn Thanh Hóa. Số dân công huy động cả ngắn ngày và dài ngày lên tới 178.924 người, trong tổng số 262.000 người của toàn chiến dịch, chiếm gần 70%; số lương thực đóng góp là 9.000 tấn trong tổng số 25.200 tấn của cả nước, chiếm gần 40%. Gần 11.000 chiếc xe đạp thồ, 1.126 chiếc thuyền được toàn tỉnh huy động vận chuyển cho chiến dịch. Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm tấn rau, củ quả... phục vụ chiến dịch quyết định này.
Điểm cầu cuối cùng là "Tây Nguyên bất khuất". Điện Biên - Tây Nguyên là hai vùng địa lý cách xa nhau hơn 1.000 km nhưng Bắc Tây Nguyên có vai trò gắn kết chiến lược cùng thắng lợi của Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông - Xuân (1953-1954), trong đó, Kon Tum đóng vai trò đặc biệt, "chia lửa" với Điện Biên. Sau chiến thắng Kon Tum, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công Liên khu V, bức điện có đoạn: "Thắng lợi Kon Tum là thắng lợi đầu tiên của ta trên mặt trận miền Nam. Nó là một trong những thắng lợi quan trọng của ta trong mùa xuân năm nay trên chiến trường toàn quốc. Tôi thay mặt quân đội cảm tạ toàn thể đồng bào các dân tộc đã ra sức ủng hộ bộ đội chiến thắng quân địch"...
Tại chương trình, khán giả gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm; thưởng thức các tiết mục nghệ thuật với những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian, như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Nam Bộ kháng chiến” (Tạ Thanh Sơn), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương), “Tây Nguyên bất khuất” (Văn Ký), “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Đường lên Tây Bắc”, “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” (Huy Thục), “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Chiến thắng Điện Biên” (Đỗ Nhuận), “Tiến về Hà Nội” (Văn Cao), “Giai điệu Tổ quốc” (Trần Tiến)...
Theo dõi Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng", khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học, những kinh nghiệm quý giá không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, còn cả trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay. Đó là bài học về sự chỉ đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo, bài học phát huy thế trận lòng dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc và đường lối đối ngoại khéo léo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: "Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay". Lịch sử Việt Nam đã trải qua bao thử thách. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, tinh thần độc lập, khát khao tự do lại vượt lên tất cả. Điện Biên Phủ là minh chứng cho tinh thần và khát khao ấy, cũng là "điểm hẹn mà lịch sử dành cho các cuộc chiến tranh xâm lược".
Những thế hệ đi sau sẽ tiếp bước cha anh với tinh thần Điện Biên, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế...