Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 13/7, tại thành phố Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh.
Phát biểu khai mạc hội nghị đầu tiên của Thủ tướng với Đồng bằng sông Cửu Long sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá tình hình thực hiện 3 nội dung quan trọng.
Trong đó, nắm tình hình việc tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp với phương châm "khó có thể trơn tru, hoàn hảo ngay vì phải có thời gian; song phải nỗ lực tổ chức vận hành trơn tru, hoàn hảo nhất có thể," cả về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, việc sắp xếp cán bộ làm việc tại các xã, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan người dân.
Cùng với đó, rà soát việc triển khai các dự án giao thông, hạ tầng quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long; việc triển khai thực hiện các quy hoạch, các dự án chuyển tiếp, nhất là việc xây dựng hạ tầng phục vụ Hội nghị APEC 2027, hệ thống đường bộ cao tốc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc khu vực phía Nam và toàn quốc, tuyến đường ven biển từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Thành phố Hồ Chí Minh; tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, phát triển giao thông đường thủy nội địa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án cảng Cái Cui, Hòn Khoai...
Hội nghị cũng rà soát việc triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đảm bảo nguồn lúa gạo ổn định, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long rà soát, nỗ lực phấn đấu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo; đặc biệt là thúc đẩy xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách trước ngày 27/7 và hoàn thành trên phạm vi toàn quốc trước 31/8/2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các tỉnh, thành phố báo cáo đánh giá tình hình; nhất là những vấn đề vướng mắc phát sinh; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để các nội dung nêu trên được triển khai hiệu quả.
Kết luận hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tại thành phố Cần Thơ vào sáng 13/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh xây dựng các công trình phục vụ hội nghị APEC 2027 xứng tầm với vai trò, vị thế, văn hóa của đất nước, trí tuệ con người Việt Nam.
Hội nghị đánh giá, thực hiện 28 Nghị định của Chính phủ về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp, 5 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau; với 476 xã, phường) đã tổ chức triển khai bài bản, với sự tập trung cao và sự ủng hộ của người dân.
Hiện nay, chính quyền địa phương 2 cấp tại 5 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được vận hành thuận lợi, không phát sinh các vấn đề lớn.
Trong số đó, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, việc sắp xếp cán bộ làm việc tại cấp xã, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan người dân đi vào ổn định, hoạt động thông suốt. Các địa phương cũng tổ chức chi trả đủ kinh phí cho người lao động nghỉ việc do sắp xếp bộ máy.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cán bộ một số cơ quan chuyên môn có nơi còn lúng túng khi thực hiện; ở cấp xã, một số nhiệm vụ thiếu cán bộ chuyên ngành; hệ thống hạ tầng dùng chung của các trung tâm phục vụ hành chính công vào thời điểm cao điểm xảy ra chậm nghẽn, phải làm thủ công.

Lãnh đạo các địa phương đề xuất rà soát, phát triển hạ tầng đồng bộ, liên thông, thông suốt từ trung ương tới cơ sở; xây dựng phần mềm quản lý, vận hành chung toàn quốc đảm bảo thông suốt, đồng bộ.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phát triển. Hiện nay, cả khu vực có 21 dự án hạ tầng giao thông bao gồm đường bộ, đường thủy, hàng không.
Các dự án đường bộ đang được tích cực triển khai như các tuyến cao tốc: Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Cao Lãnh-An Hữu; Mỹ An-Cao Lãnh; Cao Lãnh- Lộ Tẻ và Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; Cần Thơ-Cà Mau, Cà Mau-Đất Mũi.
Bên cạnh đó, các tuyến đường Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận, cầu Rạch Miễu 2; các dự án cảng hàng không Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc…
Trong số đó, có 5 dự án cao tốc, với tổng chiều dài khoảng 206km dự kiến hoàn thành năm 2025 đều đang bảo đảm tiến độ và các khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết.Đối với đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, đến nay các địa phương đã triển khai 101 mô hình thí điểm, tổng diện tích trên 4.500ha; với sự tham gia của 620 hợp tác xã, 200 doanh nghiệp.
Mặc dù hiệu quả của dự án mang lại thấy rõ, song việc triển khai Đề án vẫn còn rất chậm, so với mục tiêu 1 triệu hécta đến năm 2030.
Đặc biệt, các đại biểu cho biết nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, nhất là khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư, các thủ tục liên quan đến các khoản vay ODA cho triển khai đề án; công tác quy hoạch, xác định cụ thể diện tích đất trồng lúa năng suất, chất lượng cao chưa rõ ràng trên bản đồ và trên thực địa; các cơ chế đặc thù, việc cấp và bán tín chỉ carbon còn lúng túng.
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận; kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai cơ bản tốt, triển khai chắc chắn, hoàn thiện dần và đi vào hoạt động ổn định.

Tuy nhiên còn một số nội dung, công việc cần rà soát, triển khai đồng bộ, chuyên nghiệp hơn nữa.
Về phát triển hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ đánh giá các dự án đang được triển khai đảm bảo tiến độ, có công trình vượt tiến độ đề ra. Do quyết liệt tháo gỡ khó khăn đối với các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; thúc đẩy đầu tư, tạo động lực, tạo khí thế mới trong triển khai các dự án.
Về đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, Thủ tướng Chính phủ cho biết đây là vùng chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên trên thế giới, có ý nghĩa quan trọng: đảm bảo nguồn lương thực chất lượng cao đảm bảo an ninh lương thực trong nước và cho nhiều thị trường, bạn bè đối tác của Việt Nam; góp phần chống biến đổi khí hậu, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tạo liên kết vùng, liên kết quốc tế, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường; nâng cao thương hiệu gạo, thương hiệu quốc gia.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tăng tốc, bứt phá, thần tốc hơn nữa, vượt qua chính bản thân mình; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể; góp phần hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, nhất là mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, tạo môi trường hòa bình, ổn định, phát triển; tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt, hiệu quả nhất có thể; hoàn thành xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước 31/8, trong đó xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7 này.
Về vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả, với phương châm “làm việc nào dứt việc đấy, làm việc nào ra việc đấy; tạo sự thông suốt, chuyên nghiệp và đồng bộ” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.
Trong số đó, thực hiện nghiêm Kết luận số 177-KL/TW, ngày 11/7/2025 của Bộ Chính trị về thực hiện quyết liệt, hiệu quả bảo đảm thông suốt, ổn định đơn vị hành chính 2 cấp tại mỗi địa phương và các Nghị quyết, kế hoạch, quyết định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: sắp xếp đầy đủ đội ngũ cán bộ ở cấp tỉnh, cấp xã; chuẩn bị cán bộ cho Đại hội đảng các cấp; chuẩn bị các văn kiện của Đại hội đảng các cấp; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông suốt; không để đứt gãy khám chữa bệnh cho người dân; triển khai trường học bán trú cho các cháu học sinh tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa; hoàn thiện hạ tầng số, nhất là nơi điều kiện khó khăn, sóng internet và điện.
Về nhóm các công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải triển khai với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", “làm việc xuyên ngày tết, ngày nghỉ”, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi."
Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Chính quyền tháo gỡ chủ động tháo gỡ các vướng mắc nếu có thuộc thẩm quyền. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng chung tay, góp sức hỗ trợ các lực lượng thi công “không để các nhà thầu, các kỹ sư, công nhân cô đơn trên công trường.”
Các nhà thầu huy động các nhà thầu phụ ở địa phương giúp các doanh nghiệp địa phương trưởng thành.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật, đơn giá vật liệu, xây dựng; xử lý ngay các khó khăn về vật liệu; chuẩn bị khánh thành các công trình khởi công, khánh thành vào dịp Kỷ niệm 80 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng như chuẩn bị Triển lãm Kỷ niệm 80 năm hành trình Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Đối với đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, hoàn thành trong quý 3/2025; xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, trong đó có thương hiệu lúa chất lượng cao Việt Nam; có giải pháp, ưu đãi huy động nguồn lực để triển khai Đề án; triển khai các hiệp định xuất khẩu lúa gạo, đảm bảo đầu ra lúa gạo cho người dân; cũng như cung ứng các dịch vụ, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lúa; bảo đảm liên kết 4 nhà gồm Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường, nhà nông; xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn; thành lập các mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực này.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng các công trình phục vụ hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc phải được xây dựng nhanh, đẹp, xứng tầm với vai trò, vị thế, văn hóa của đất nước, trí tuệ con người Việt Nam, không chỉ phục vụ trước mắt và trong lâu dài bao gồm các công trình xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, giao thông liên kết, cây xanh, chiếu sáng.
Về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khoanh việc xử lý các tồn tại, vướng mắc; đồng thời triển khai ngay dự án để hoàn thành trong năm 2026, giao thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Nhất trí giải quyết các đề xuất của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ giao lực lượng quân đội nghiên cứu, xây dựng phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các cơ chế đặc thù, đặc biệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng các Bộ trưởng và lãnh đạo các Bộ; Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc để các nội dung nêu trên được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển nhanh và bền vững.