Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi" được tổ chức với mong muốn huy động thêm nguồn lực ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, các mạnh thường quân, các tầng lớp nhân dân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ để hỗ trợ khoảng 150 nghìn hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở có thể xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Mục tiêu là để tất cả người dân có thể sống trong những ngôi nhà "3 cứng" - mái cứng, nền cứng và tường cứng. Đây là một khát vọng đẹp và đầy thách thức, chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24.1.2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24.5.2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở để xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một trong những chủ trương, một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trở thành phong trào sâu rộng, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở ổn định, giúp “an cư lạc nghiệp”, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
"Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít" - đây là lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025. Phong trào hướng đến việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, kết hợp với nguồn lực từ Nhà nước, để thực hiện ba nhiệm vụ lớn: hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình không thuộc hai nhóm trên.
Phát biểu tại lễ phát động Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, từ năm 2000 đến 2023, hơn 1,7 triệu căn nhà Đại đoàn kết được xây mới và sửa chữa cho các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong giai đoạn 2021 - 2023, với sự trợ giúp của cộng đồng và ngân sách nhà nước, đã có 139.995 căn nhà được xây dựng và cải tạo.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng chương trình vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Để đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở cho các hộ gia đình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015.
Thống kê qua báo cáo của các tỉnh, thành phố, theo tiêu chí do Bộ Xây dựng quy định, đến nay, số nhà còn lại cần hỗ trợ là 153.881 căn. Trong đó, có 106.967 nhà xây mới (68.565 hộ nghèo, 38.402 hộ cận nghèo), 46.914 nhà sửa chữa (27.188 hộ nghèo, 19.726 hộ cận nghèo). Hiện, cả nước chỉ có Hà Nội và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Kinh phí huy động bổ sung để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cần khoảng hơn 6.522 tỷ đồng. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà ở và 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, bằng mức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo hiện nay.
Ngoài số nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 1 đã hoàn thành với khoảng 500.000 căn nhà (kinh phí khoảng 11.000 tỷ đồng); sắp tới sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo theo nghị quyết của Quốc hội, với quy mô sơ bộ khoảng 200.000 căn nhà, bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Đây được xem là động lực to lớn với mục tiêu của công tác giảm nghèo bao trùm và bền vững.
Việc hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô khoảng 130.000 nhà, đến nay đã hoàn thành khoảng 50.000 nhà, còn khoảng hơn 80.000 nhà cần hoàn thành trong thời gian tới, cũng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các lực lượng đã tiên phong trong thực hiện phong trào, như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, MTTQ Việt Nam…Đồng thời, đề cao, trân trọng các nghĩa cử cao đẹp của nhiều địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.
Thủ tướng cho biết, bài học kinh nghiệm quan trọng là cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với cách làm hiệu quả nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và của cả các gia đình thụ hưởng chính sách; giảm khâu trung gian; từ đó triển khai nhanh chóng, thực chất, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, người dân thụ hưởng thật.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu trong năm 2025 chỉ trong 450 ngày phải hoàn thành cả 3 nội dung: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; sửa chữa, xây mới 153.000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao trước đó, Bộ Công an và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp, rà soát số liệu, thông tin về các hộ gia đình cần hỗ trợ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phương châm là Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tinh thần cả nước chung tay, "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".
Box: Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc bằng cách chuyển khoản đến Quỹ Vì người nghèo Trung ương số tài khoản:
- 111135888888 tại Vietinbank.
- 9999999999999 tại Vietcombank.
- 1303999789999 tại Agribank.
- 8631088888 tại BIDV.
- 2025 tại MBBank
- 3761.0.9054386.91046 tại Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm, Hà Nội.