Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
* Chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Ngày 19.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường.
Trong không khí tình cảm, tin cậy, thực chất, cởi mở, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua, nhất là khi tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung đối với mỗi nước, nhấn mạnh hai bên sẽ tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung quan trọng đạt được trong các cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tiếp tục đưa quan hệ Việt - Trung bước vào giai đoạn phát triển mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thiết thực, hiệu quả hơn, nền tảng hữu nghị, hợp tác, phát triển vững chắc hơn.
Hai Thủ tướng đánh giá cao những thành quả trong quan hệ song phương thời gian qua. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt. Hợp tác thương mại duy trì tăng trưởng, tình trạng ùn tắc kéo dài tại các cửa khẩu biên giới từng bước được khắc phục. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng. Hợp tác phòng chống dịch được duy trì hiệu quả.

Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp, nhất là thúc đẩy và chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm cấp cao trực tiếp ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, phát triển lành mạnh, hài hòa, bền vững; thúc đẩy giao lưu, đi lại của người dân hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tích cực phối hợp để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng; đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thông quan, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam; khôi phục toàn diện hoạt động tại các cặp cửa khẩu biên giới và nâng cao năng lực thông quan; phối hợp triển khai, tận dụng tốt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do đa phương.
Thủ tướng cũng đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; tích cực trao đổi, giải quyết vấn đề tồn đọng tại một số dự án hợp tác giữa hai nước, như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Nhà máy Phân đạm Ninh Bình, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc...; sớm mở thêm các chuyến bay thương mại giữa hai nước; nâng tầm hợp tác, ứng phó có hiệu quả với các thách thức mới nổi lên, cùng nhau hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá cao, bày tỏ coi trọng và đồng tình với những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, nhất là mở cửa hơn nữa thị trường cho nông sản Việt Nam; phối hợp thúc đẩy giải quyết các dự án hợp tác quan trọng còn tồn đọng kéo dài...
Thủ tướng Lý Khắc Cường đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, phát huy ưu thế của mỗi bên để cùng mở rộng khai thác thị trường thế giới. Trên cơ sở phối hợp tốt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, phía Trung Quốc thông báo sẵn sàng thúc đẩy khôi phục các hoạt động giao lưu Nhân dân, hoan nghênh lưu học sinh Việt Nam trở lại Trung Quốc, gia tăng tần suất các chuyến bay thương mại giữa hai bên.
Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì hiệu quả các kênh trao đổi về biên giới trên đất liền và vấn đề trên biển, thúc đẩy mở rộng điểm đồng, xử lý thỏa đáng các khác biệt, giữ gìn hòa bình, ổn định chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo tinh thần nhận thức chung cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; đẩy nhanh đàm phán trên biển; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Hai Thủ tướng nhất trí chỉ đạo hai bên tiếp tục hợp tác và phát huy tốt các cơ chế đàm phán về phân định và hợp tác trên biển; cùng các nước ASEAN thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.
Thủ tướng Lý Khắc Cường trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam sớm thăm Trung Quốc.
Chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các tỉnh, thành phố trong nước và 94 Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng đề nghị, ngành ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế; đồng thời, tiếp tục chú trọng và triển khai tốt công tác bảo hộ công dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.
Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. Trong đó, tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Australia; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng; xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Cũng theo Thủ tướng, cần tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục, công nghiệp văn hóa… Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; chủ động cảnh báo, phòng ngừa, và xử lý các rủi ro, tranh chấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, phải tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Cụ thể hóa, triển khai hiệu quả hơn "ngoại giao công nghệ", "ngoại giao kinh tế số", thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. "Việt Nam là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, vừa bước ra khỏi chiến tranh, do đó các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải góp phần bảo đảm công bằng, công lý trong hợp tác kinh tế", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược. “Các Cơ quan đại diện cần phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp theo dõi, tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại; chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá, từ đó tham mưu, đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.