Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Hôm qua, 25.6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Tới dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Đây là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm 2016 - 2018 của vùng đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng kinh tế trọng điểm; thu ngân sách chiếm trên 31% và xuất khẩu hàng năm chiếm trên 30%. GRDP bình quân đầu người tăng từ 4.164 USD năm 2016 lên 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước và đứng thứ 2 sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ là kết quả của việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là theo hình thức đối tác công tư PPP.
Trụ cột tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tiếp tục là công nghiệp - xây dựng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù cả 7/7 địa phương trong vùng đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng, nhưng chỉ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đã thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài... và cũng mới dừng lại chủ yếu gia công, lắp ráp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng giai đoạn 2016 - 2018 đạt 426,4 tỷ USD nhưng không đóng góp trong thặng dư cán cân thương mại chung, tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các địa phương chênh lệch lớn (Quảng Ninh thứ 1, Hà Nội thứ 9, Vĩnh Phúc thứ 13, Bắc Ninh thứ 15, Hải Phòng thứ 16, Hải Dương thứ 55, Hưng Yên thứ 58).
Phản ánh tại hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, chi phí thực hiện thủ tục hành chính vùng Bắc Bộ cao so với mặt bằng chung cả nước và khu vực phía Nam. Đơn cử, nhóm thủ tục xây dựng ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang cao gấp hơn 2 lần trung bình toàn quốc. Trong đó, riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ khu vực phía Bắc, bao gồm cả chi phí chính thức và tư vấn không chính thức chiếm 86% tổng chi phí thực hiện thủ tục. Tỷ lệ này trung bình cả nước là 67%, miền Nam 24% và miền Trung 61%.
![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan khu vực trưng bày sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ |
Ảnh: Thống Nhất |
Đề xuất Phó Thủ tướng làm Chủ tịch vùng
Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hạ tầng của khu vực đã có bước phát triển vượt bậc thời gian qua, ví dụ như trước đây đi từ Hà Nội đến Hải Phòng mất hơn 2 tiếng thì nay chỉ mất 1 tiếng. Đặc biệt, đây là vùng duy nhất 7/7 địa phương đều thu ngân sách đủ chi và có điều tiết về Trung ương. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, sự liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực chất. Cơ chế, chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được các vấn đề chung của vùng.
Theo đặt hàng của Thủ tướng, tại hội nghị, các địa phương tập trung kiến nghị về liên kết vùng. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đề xuất 6 giải pháp trọng tâm để Bắc Bộ trở thành vùng kinh tế dẫn đầu, tiên phong với đột phá chiến lược. Trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển, hiện đại hóa mạng lưới giao thông - vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương. Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, ông Chung đề xuất Thủ tướng giao cho một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch vùng để có nhiều quyết định hiệu quả hơn.
Lãnh đạo Hưng Yên mong muốn Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Nội, Hưng Yên triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 và cầu vượt Ngọc Hồi. Cho phép thi công giai đoạn 2 dự án đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ nguồn vốn dư của dự án cầu Hưng Hà, do đường mới thông xe 6 tháng nhưng mật độ xe đã vượt thiết kế 5 lần. Trong khi đó, Quảng Ninh đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội - Cái Lân để đưa vào khai thác đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư, bổ sung đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Về định hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu cùng vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ là hai trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước. Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không chỉ lo vấn đề kinh tế mà cần quan tâm đến cả vấn đề xã hội, an toàn cho người dân. Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần có cơ chế liên kết, phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn. Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng cho biết, sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất mô hình, báo cáo cụ thể.