Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì “Đối thoại 2045”

- Thứ Bảy, 06/03/2021, 23:56 - Chia sẻ
Chiều 6.3, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc gặp mặt, đối thoại với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045".

Tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn

Đây là lần đầu tiên “Đối thoại 2045” được Chính phủ tổ chức ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm lắng nghe ý kiến từ giới tinh hoa, đặc biệt là các trí thức và doanh nhân về chiến lược phát triển, sách lược, khát vọng và hiến kế để phát triển đất nước trong bối cảnh mới toàn cầu và Việt Nam hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc đối thoại
Ảnh: Thống Nhất

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ một số thách thức trên chặng đường hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đó là thu nhập bình quân đầu người của nước ta vẫn thuộc nhóm trung bình thấp. Các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm chưa vững chắc. Quy mô kinh tế tăng lên nhưng quy mô tính GDP bình quân đầu người hay tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa diễn ra chậm, năng lực cạnh tranh của ngành và quốc gia chỉ ở mức trung bình thế giới. Các nút thắt phát triển chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, năng suất lao động chậm phát triển. Những vấn đề lớn như quản trị quốc gia, quản trị các thành phố lớn, thậm chí các trường đại học còn nhiều bất cập. Một số thách thức ngày càng lớn hơn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số... đang diễn ra nhanh, thậm chí rất nhanh.

Nhắc lại di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một Việt Nam trở nên vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu, Thủ tướng khẳng định, chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện của Người sẽ trở thành hiện thực. Mục tiêu to lớn, xuyên suốt của chúng ta là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng cũng chỉ rõ, muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh; muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu, chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đương những công việc lớn của đất nước. Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Thủ tướng tin tưởng, các doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào tinh thần hướng tới một Việt Nam 2045.

Tạo nền tảng để có "sự trỗi dậy diệu kỳ" của kinh tế tư nhân 

Các doanh nhân, trí thức tiêu biểu đánh giá cao việc Chính phủ tổ chức “Đối thoại 2045”, xem đây là cơ hội để đóng góp các ý kiến, kiến nghị về phát triển đất nước. Lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu đất nước khẳng định, để hướng tới mục tiêu 2045 mà Đảng đã đề ra thì cần: tiếp tục đổi mới quyết liệt về thể chế; phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ; bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; có sự trỗi dậy kỳ diệu của kinh tế tư nhân...

Trong đó, về đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội, một số ý kiến chỉ rõ: vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế hiện nay là hạ tầng cung ứng và phân phối. Bởi lẽ, chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Tiếp đó là nền tảng công nghệ để chuyển đổi nhanh nền kinh tế và cả quản lý nhà nước truyền thống sang số hóa. Cần hướng công nghệ với phát triển xanh và tái tạo năng lượng.

Về kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, các ý kiến khẳng định, khu vực này có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045 của đất nước. Cần phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, đưa khu vực này trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Hơn lúc nào hết đất nước ta và từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Để có khát vọng đó, chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển. Chính phủ làm ra chính sách và việc lớn, còn việc cụ thể để doanh nghiệp làm. Nêu vấn đề này, lãnh đạo các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là "bà đỡ", tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng phát triển của doanh nghiệp.

Với tinh thần đổi mới cải cách và cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực, các ý kiến cho rằng, cần tập trung vào một số điểm cốt lõi và coi như là các “từ khóa”. Cụ thể là, chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ”. Các cơ quan công quyền cần ở tâm thế “tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng họ”, lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận. Bình đẳng tiếp cận nguồn lực. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thấy vinh dự, tự hào khi làm ra sản phẩm tốt, tạo công ăn việc làm có đóng góp lớn cho xã hội. Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp vai trò của các doanh nghiệp tư nhân/hộ gia đình trong sự phát triển kinh tế tại địa phương và với đất nước. Nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò của mình.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (Data) để phục vụ chiến lược kinh tế số; đồng thời, cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân theo nguyên tắc minh bạch, hiệu quả và bảo đảm quyền riêng tư cá nhân.

Trong trào lưu phát triển như vũ bão của Cách mạng Công nghiệp 4.0, hệ thống luật pháp của tất cả các quốc gia đều không thể theo kịp bước tiến đó. Nhấn mạnh điều này, các ý kiến cho rằng, phải cải cách thể chế quyết liệt hơn nữa, xóa bỏ các lực cản và mở đường cho việc áp dụng các mô hình kinh tế mới, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... Trọng tâm cải cách thể chế trong thời gian tới, theo các đại biểu, phải là đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực, xây dựng phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết của các trí thức, doanh nhân tiêu biểu cho cho biết, “Đối thoại 2045” sẽ được tổ chức định kỳ, trực tiếp và cả trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng. Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các “Đối thoại 2045” để góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng, thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác Hồ về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu.

Nguyễn Bình