Hỗ trợ rộng rãi
Khả năng lên vị trí lãnh đạo cao nhất NATO của ông Mark Rutte trở nên đặc biệt rõ ràng khi các nhà lãnh đạo của khối quân sự này tỏ thái độ hoàn toàn ủng hộ ông ứng cử, trong khi đối thủ nặng ký nhất là đương kim Tổng thống Rumani Klaus Iohannis đã rút lui.
Để chính thức ngồi vào ghế nóng của NATO, ông Rutte cần phải nhận được cái gật đầu của tất cả 32 quốc gia thành viên của khối. Ban đầu, Hungary tỏ ý không ủng hộ, song sau các cuộc đàm phán ngoại giao, Thủ tướng Viktor Orbán cũng đã đồng ý từ bỏ phản đối của mình để đổi lấy bảo đảm từ ông Rutte (khi trở thành tân lãnh đạo) rằng NATO sẽ không triển khai lực lượng Hungary hoặc sử dụng quỹ của nước này để hỗ trợ Ukraine, một lập trường phù hợp với cách tiếp cận thận trọng của Hungary đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Trước đó, sở dĩ Hungary phản đối việc Thủ tướng Rutte ra ứng cử vì nhà lãnh đạo Hà Lan từng bày tỏ những quan điểm "có vấn đề", trong đó có ý kiến cho rằng Hungary nên rời khỏi Liên minh châu Âu.
Trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thư ký NATO đương nhiệm Jens Stoltenberg thừa nhận, quá trình lựa chọn người kế nhiệm sắp kết thúc. Ông ca ngợi ông Rutte là ứng cử viên nặng ký, có nhiều kinh nghiệm trong thời gian làm Thủ tướng Hà Lan, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự thống nhất trong NATO.
Ông Stoltenberg, cựu Thủ tướng Na Uy, trở thành Tổng thư ký NATO vào năm 2014 và nhiệm kỳ của ông đã nhiều lần được gia hạn sau khi liên minh này không tìm được người kế nhiệm. Tuy nhiên, đến năm nay, sau khi ông nhấn mạnh sẽ không tiếp tục đảm nhiệm vị trí này nữa, ông Rutte đã tiến lên, rồi nhanh chóng giành được sự ủng hộ của Mỹ, Anh, Đức và Pháp.
Là chính trị gia trung hữu, ông Rutte đã giữ chức Thủ tướng Hà Lan trong 14 năm, nhưng cách đây một năm, ông tiết lộ ý định từ chức và dự kiến sẽ được thay thế ngay sau các cuộc đàm phán liên minh kéo dài để thành lập Chính phủ mới của Hà Lan.
Thách thức phía trước
Khi chính thức trở thành Tổng thư ký NATO tiếp theo, ông Rutte sẽ phải đối mặt với một số thách thức quan trọng, đặc biệt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Ông sẽ cần hài hòa các động lực phức tạp trong việc NATO hỗ trợ Ukraine mà không làm leo thang căng thẳng với Nga. Tổng thư ký NATO chịu trách nhiệm chủ trì các cuộc họp và hướng dẫn các cuộc tham vấn đôi khi tế nhị giữa các nước thành viên để bảo đảm rằng một tổ chức vận hành dựa trên đồng thuận có thể tiếp tục hoạt động. NATO trao cho bất kỳ quốc gia nào trong số 32 thành viên quyền phủ quyết hiệu quả, bao gồm cả việc liệu họ có nên tham gia vào bất kỳ nỗ lực hoặc hoạt động chung nào hay không.
Ngoài ra, ông sẽ phải giải quyết những lo ngại trong liên minh về chi tiêu quốc phòng và chia sẻ gánh nặng, đặc biệt là với khả năng ông Donald Trump trở lại nắm quyền Tổng thống Mỹ, người trước đây luôn chỉ trích các thành viên NATO không đáp ứng các cam kết chi tiêu quốc phòng và bày tỏ hoài nghi về giá trị của khối quân sự này.
Trong hơn 2 năm qua, ông Rutte là người ủng hộ trung thành cho Ukraine, vận động mạnh mẽ châu Âu viện trợ cho Kiev trong bối cảnh xung đột đang diễn ra. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hà Lan tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng để đáp ứng tiêu chuẩn 2% GDP của NATO, đầu tư mạnh cho quân đội quốc gia, trong khi cung cấp máy bay chiến đấu F-16, pháo, máy bay không người lái và đạn dược cho Kiev. Lập trường mạnh mẽ về quốc phòng và hỗ trợ cho Ukraine đã củng cố danh tiếng của ông Rutte trong NATO.
Việc bổ nhiệm dự kiến của ông Rutte diễn ra vào thời điểm quan trọng khi NATO chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh thường niên tại Washington D.C. vào 9-11.7 tới. Sự kiện sẽ đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập NATO, dự kiến sẽ tập trung vào việc bảo đảm hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine. Với sự lãnh đạo của ông Rutte sắp tới, NATO chắc chắn đặt mục tiêu tạo ra một mặt trận thống nhất và thể hiện tình đoàn kết với Ukraine.