Các đại sứ từ 32 nước thành viên của NATO đã đưa ra quyết định này trong một cuộc họp tại trụ sở NATO ở Brussels hôm 26.6. Theo nguyên tắc đồng thuận của NATO, bất kỳ ai để trở thành Tổng Thư ký cũng phải nhận được sự ủng hộ của tất cả 32 thành viên.
Việc bổ nhiệm ông Rutte giờ chỉ còn là vấn đề thủ tục sau khi đối thủ duy nhất của ông cho vị trí này, Tổng thống Romania Klaus Iohannis, tuần trước đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua. Ông Rutte sẽ tiếp quản vị trí vào ngày 1.10 từ Tổng Thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg, người Na Uy. Ông Stoltenberg sẽ từ nhiệm sau một thập kỷ nắm quyền.
Rutte cho biết, ông trông đợi tiếp nhận công việc “với nguồn năng lượng dồi dào”. “NATO đang và sẽ vẫn là hòn đá tảng cho an ninh tập thể của chúng ta. Làm lãnh đạo tổ chức này là trách nhiệm mà tôi không hề xem nhẹ”, ông viết trên nền tảng X.
Sau khi bày tỏ sự quan tâm đến vị trí này hồi năm ngoái, ông Rutte đã nhận được sự ủng hộ sớm từ các thành viên chủ chốt của liên minh bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Những nước khác thì dè dặt hơn, nhất là các nước Đông Âu vốn cho rằng vị trí này nên được lần đầu tiên trao cho ai đó từ Đông Âu. Nhưng cuối cùng họ cũng ủng hộ ông Rutte. Ông nổi tiếng với quan điểm phản đối gay gắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và là đồng minh trung thành của Ukraine.
Tổng Thư ký đương nhiệm Stoltenberg cho biết ông nhiệt liệt hoan nghênh việc ông Rutte được chọn làm người kế nhiệm. “Ông Mark thực sự là người ủng hộ liên minh xuyên Đại Tây Dương, một lãnh đạo mạnh mẽ và người xây dựng sự đồng thuận”. “Tôi biết tôi sẽ bước ra khỏi NATO và giao lại cho một người đáng tin cậy”, ông nói.
Ông Rutte vốn sẽ rút khỏi chính trường Hà Lan sau gần 14 năm làm Thủ tướng. Ở vị trí mới, ông sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự ủng hộ của các đồng minh đối với cuộc chiến của Ukraine trong khi tránh cho NATO bị lôi kéo vào cuộc chiến trực tiếp với Moscow. Ông cũng sẽ phải đối mặt với khả năng ông Donald Trump - một nhân vật không ủng hộ NATO - có thể trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới ở Mỹ.