Thủ tướng dự Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu tại Tuyên Quang

- Thứ Ba, 23/02/2021, 13:59 - Chia sẻ
Sáng 23.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” và hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021 tại tổ 3, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang), tỉnh Tuyên Quang - quê hương của cách mạng Việt Nam, nơi Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là “Thủ đô kháng chiến”.
Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh: Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có nhiều lợi thế về phát triển lâm nghiệp. Trong những năm qua, Tuyên Quang là địa phương tiêu biểu trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Thủ tướng cho rằng, đất nước ta có rừng vàng biển bạc. Đó là món quà thiên nhiên đã ban tặng và ưu đãi mà chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và phát triển; phải coi đây là tài sản quý báu của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Việt Nam là một trong những nước phát thải khí CO2 tăng nhanh.

Nhấn mạnh, bảo vệ môi trường sinh thái là trách nhiệm của mọi người dân, Thủ tướng lưu ý việc trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững. Chính phủ đang cùng các địa phương trên cả nước tích cực bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42% và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2021 đạt ít nhất 14 tỷ USD, năm 2025 phấn đấu đạt trên 20 tỷ USD, dần đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thiết thực hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu trồng và bảo vệ rừng để phát triển bền vững.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh triển khai các chương trình, dự án đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống cây trồng rừng mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; trong thâm canh rừng trồng, chế biến gỗ. Phải gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống và xây dựng nông thôn mới. Phải làm sao người dân làm giàu từ rừng và Tuyên Quang trở thành địa phương điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp của nước ta.

Thủ tướng cũng lưu ý ngành giáo dục cả nước tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên ý thức trồng cây, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, “Vì một Việt Nam xanh”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống phát động Tết trồng cây. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tại buổi lễ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu trồng cây trong Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021 tại Tuyên Quang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố Quyết định công nhận thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tuyên Quang, Thủ đô khu Giải phóng, Thủ đô kháng chiến năm xưa.

Năm 2009, thị xã Tuyên Quang được công nhận là đô thị loại III, năm 2010 thành phố Tuyên Quang được thành lập. Hiện tại thành phố Tuyên Quang gồm 15 đơn vị hành chính cấp xã, 10 phường và 5 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 184,38 km2. Đến nay, thành phố Tuyên Quang có tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 72%, là một trong những thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao của khu vực miền núi phía bắc. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 12,5%; thu nhập bình quân đầu người 72,3 triệu đồng/người/năm, bằng 1,42 lần so với bình quân đầu người cả nước.

Sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng và phát triển kể từ khi được công nhận là đô thị loại III, ngày 2.2.2021, thành phố Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Thành phố Tuyên Quang là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của tỉnh Tuyên Quang, là đầu mối giao thông, cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực Đông Bắc-Tây Bắc Bộ với chức năng là đô thị dịch vụ trung chuyển quan trọng cho tuyến hành lang phát triển Hà Nội-Lào Cai; động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh Tuyên Quang.

Thủ tướng nhận xét, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, quyết tâm khai thác tiềm năng và huy động nguồn lực; vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tập trung xây dựng thành phố Tuyên Quang. Mục tiêu và nhiệm vụ đề ra là phát triển hài hòa, đồng bộ giữa kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh-quốc phòng và bảo vệ môi trường; thực hiện đồng bộ quy hoạch xây dựng đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang đô thị; thực hiện phát triển không gian đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị; đáp ứng yêu cầu hội nhập trong nước và quốc tế. Phát triển thành phố Tuyên Quang theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững, phù hợp truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; phát huy vai trò, chức năng là đô thị trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế-xã hội và tổng hợp của tỉnh Tuyên Quang, là đô thị quan trọng vùng Việt Bắc và Trung du miền núi phía bắc, trước hết là kết nối với Hà Giang, Phú Thọ, cũng như trong tổng thể hệ thống các đô thị quốc gia.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Tuyên Quang và thành phố Tuyên Quang cần tập trung tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép của Chính phủ: Phòng, chống dịch Covid-19, không để lây lan trong cộng đồng, đồng thời tập trung nguồn lực phát triển KT - XH cao hơn năm 2020 như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, góp phần thiết thực, tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng khóa XIII.

Tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị Tuyên Quang đạt thấp và chưa đạt so với quy định. Khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông và các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, công nghệ thông tin gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, cần tập trung giải quyết việc làm cho người dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân Thành phố, người dân cả tỉnh, nhất là đồng bào các dân tộc.

Cùng với đó là từng bước phát triển “đô thị xanh - đô thị thông minh”, có bản sắc riêng với điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động, khẳng định được vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục xây dựng thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030.

PV