Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bộ trưởng chịu trách nhiệm để các luật thực sự đi vào cuộc sống

Ngày 24.8, kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tính khả thi của các dự án luật để sau khi ban hành sớm đi vào cuộc sống, xử lý những điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8.2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ xem xét hồ sơ, trình tự, thủ tục trình; nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật; rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các Luật; đồng thời thảo luận, cho ý kiến đối với 3 đề nghị xây dựng luật, 3 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh.

Trong đó có: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Cùng với đó là: đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.

Chính phủ cũng nghe, cho ý kiến về việc điều chuyển các Trường Cao đẳng nghề số 1, số 4, số 20 trực thuộc Bộ Quốc phòng về trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ quan tâm, thảo luận làm rõ các nội dung về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ; một số chế độ, chính sách dành cho sĩ quan quân đội.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Về dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ thảo luận về công tác quản lý đối với Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban Quản lý Khu Di tích Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, cảnh vệ chuyên trách…

Trong đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), các đại biểu quan tâm các chính sách nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của đầu tư công; việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công; các cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả và giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện đầu tư công…

Đáng chú ý, Chính phủ dành thời gian thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Trong đó, các đại biểu thảo luận về 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật như: quy định điều chỉnh quy hoạch; việc mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP; việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Chính phủ cũng thảo luận sôi nổi về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, nhằm xử lý các vướng mắc pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là về thẩm quyền quyết định thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, quản lý thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Chính phủ thống nhất đề nghị bổ sung một số nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; sửa đổi, bổ sung một số quy định về người nộp thuế; thời điểm xác định thuế; giá tính thuế; thuế suất; các căn cứ tính thuế; quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm thuế… trong dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Sau khi thảo luận và trực tiếp cho ý kiến cụ thể đối với từng nội dung của các dự án luật, kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung; nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật, pháp lệnh.

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần làm việc khẩn trương, sôi nổi, với ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, hàm ý chuyên môn cao, có chất lượng của các thành viên Chính phủ; yêu cầu các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật, pháp lệnh; đồng thời tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện các dự thảo Luật; giao Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 8 nội dung quan trọng nêu trên.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo; bố trí nguồn lực, cán bộ có trình độ, tâm huyết cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế.

Chú thích ảnh

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội Khóa XV tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với 11 luật, xem xét, thông qua 14 luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tính khả thi của các dự án luật để sau khi ban hành sớm đi vào cuộc sống, xử lý những điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn.

Nhấn mạnh, các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện đúng các nhiệm vụ quản lý nhà nước: xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật…, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, các cơ quan quản lý nhà nước không sa vào các công việc cụ thể, nhỏ lẻ.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh phải bảo đảm tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để; huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm các khâu trung gian; giảm chi phí tuân thủ cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án Luật.

Đặc biệt, các dự án luật, pháp lệnh phải huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, với phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp”; kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành; kịp thời rà soát và dự báo để xử lý những vấn đề nổi lên; những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận cao; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, không để xảy ra vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật để thực thi. "Dứt khoát là không để xảy ra vướng mắc, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành luật do chậm ban hành các văn bản dưới luật", Thủ tướng chỉ rõ.

Cho biết, thời gian tới Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội Khóa XV không còn nhiều, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các dự án luật; đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tình hình tổ chức thi hành pháp luật theo quy định.

Sự kiện nổi bật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Nông dân Việt Nam tự tin, tự lực, tự cường, góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới
Sự kiện nổi bật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Nông dân Việt Nam tự tin, tự lực, tự cường, góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Phát biểu tại lễ tôn vinh nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, giai cấp nông dân Việt Nam tiếp tục tự tin, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV
Sự kiện nổi bật

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV

Sáng 14.10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức khai giảng Lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ ba).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc

Trong chương trình Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường thăm chính thức Việt Nam, chiều 13.10, tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

CHỐNG LÃNG PHÍ
Sự kiện nổi bật

CHỐNG LÃNG PHÍ

Lời Toà soạn: Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với tiêu đề "Chống lãng phí".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy chuyển đổi số để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy chuyển đổi số để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên

Chủ trì sự kiện “Chào mừng ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024” được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh: Phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số gồm: thể chế số, hạ tầng số, nguồn nhân lực số để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả

Ngày 12.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì sự kiện Chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 nhằm điểm lại thành tựu, ghi nhận kết quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản, ASEAN + 3 và ASEAN - Australia
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản, ASEAN + 3 và ASEAN - Australia

Tiếp tục chương trình làm việc của các Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 10.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia.