Thủ tục và quyền lợi

Hà Phương 07/05/2011 07:18

Trong mỗi chuyến du lịch có thể xảy ra những tai nạn khó dự đoán. Chính vì vậy, việc tham gia bảo hiểm du lịch rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nhiều du khách Việt chỉ coi loại hình bảo hiểm này là một thủ tục cần thiết, chứ không nghĩ rằng đó là quyền lợi của mình.

Thủ tục và quyền lợi ảnh 1
Nguồn: didulich.com.vn

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện nay có khá nhiều loại hình bảo hiểm du lịch (BHDL), cụ thể như: bảo hiểm khách du lịch trong nước, bảo hiểm người Việt Nam du lịch nước ngoài, bảo hiểm người nước ngoài du lịch Việt Nam, BHDL nhóm, bảo hiểm cho người mang thẻ tín dụng... Ngoài sự trợ giúp về y tế, BHDL còn hỗ trợ du khách trước những rủi ro có thể gặp phải, như mất hành lý, mất giấy tờ, hồi hương, đặt lại tour...

Mức phí chung của BHDL từ 1.500 đồng đến 1,5USD/ngày/người với mức đền bù được hưởng là 10 triệu đồng/vụ. Cá biệt, một số công ty lữ hành còn mua bảo hiểm với mức phí 750 đồng/khách/ngày, đền bù tối đa 5 triệu đồng/vụ, bảo hiểm khách đi tour du lịch nước ngoài khoảng 10 ngàn USD/người/vụ. Theo đánh giá của các công ty lữ hành uy tín, thì trong tình hình hiện nay mức BH này là thấp và thiệt thòi cho khách.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, việc thực hiện BHDL, từ trước đến nay, không được du khách cũng như các công ty lữ hành quan tâm. Theo đại diện một công ty lữ hành ở Hà Nội thì, đối với du khách nội địa thì điều quan tâm nhất là giá cả tour du lịch, còn về độ an toàn hay làm thế nào để tránh rủi ro ít người nghĩ đến. Kể cả với các chuyến đi du lịch ra nước ngoài, du khách Việt cũng chỉ coi bảo hiểm là một thủ tục cần thiết cho hành trình, chứ không nghĩ rằng đó là quyền lợi của mình... Du khách thì vậy, nên các công ty du lịch cũng “lờ” luôn BHDL và chỉ mua khi khách yêu cầu. Thậm chí, không ít công ty tự ý bỏ qua việc đưa BHDL vào chương trình tour.

Thực tế, trong mỗi chuyến du lịch có thể xảy ra những tai nạn khó dự đoán. Vụ tai nạn chìm tàu du lịch ở Hạ Long vừa qua, hay như vụ động đất, sóng thần ở Nhật Bản mới đây và xa hơn là tai nạn sóng thần ở Thái Lan, Indonesia... cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của loại hình bảo hiểm này; đó không chỉ là thủ tục mà còn là quyền lợi của mỗi du khách.

Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan của nước ta đã có những quy định cụ thể về BHDL. Tuy nhiên, theo Luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội: tại Khoản 4 Điều 35 Luật Du lịch quy định: “Được hưởng bảo hiểm du lịch và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật” là một trong những quyền lợi của khách du lịch. Thế nhưng, cũng theo Luật Du lịch và Nghị định số 92/2007 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch thì BHDL lại không bắt buộc đối với tất cả du khách. Chính điều này đã khiến cho việc áp dụng các chế tài trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định xử phạt chính đối với tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế không mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài, theo đó: “phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch” (khoản 5 điều 8 - Nghị định 149/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch). Còn đối với những trường hợp không có BHDL khi có xảy ra sự cố, việc quy kết trách nhiệm và xử lý là rất khó khăn do không có quy định cụ thể.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm luật hóa việc mua BHDL, để mỗi chuyến du lịch thực sự an toàn; bù đắp một cách thỏa đáng những thiệt hại, mất mát nếu không may xảy ra với du khách. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cần quan tâm hơn nữa đến việc yêu cầu khách mua bảo hiểm du lịch, du khách nên nâng cao nhận thức về giá trị của bảo hiểm du lịch để tham gia mua khi đi tour. Từ đó, đưa nhu cầu BHDL trở thành thói quen của khách du lịch nội địa, góp thêm một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thủ tục và quyền lợi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO