Thủ tục phiền hà, không thống nhất
Sau hai năm thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ - CP của Chính phủ quy định đối tượng miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục, hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ học tập. Tuy nhiên, sự không thống nhất trong hướng dẫn thủ tục cũng như việc xác nhận miễn giảm rắc rối đã gây nhiều khó khăn, phiền hà cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Sinh viên Nguyễn Văn Nam đang theo học cử nhân công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, trường đã có giấy xác nhận, kèm theo biên lai thu tiền học phí gửi về địa phương để hoàn trả tiền học phí, nhưng địa phương vẫn không giải quyết. Gia đình của Nam đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Krông Păk thì được biết, không chỉ hồ sơ của Nguyễn Văn Nam mà còn nhiều trường hợp khác tương tự cũng bị trả về, hẹn chờ chỉ đạo của cấp trên. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đăk Lăk, Điều 3, Nghị định 49/2010/NĐ/CP quy định các đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: học sinh tiểu học, học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp. Đây là những đối tượng không đóng học phí nên không được miễn, giảm học phí. Nhưng trong quy định này lại không nêu rõ “sinh viên sư phạm” là những sinh viên theo học ngành sư phạm, hay là sinh viên trường sư phạm theo học các ngành ngoài sư phạm. Sự không rõ ràng này đã khiến sinh viên theo học các ngành ngoài sư phạm ở các trường sư phạm công lập, thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí gặp khó khăn, rắc rối khi về địa phương để xét hồ sơ hỗ trợ, miễn, giảm tiền học phí.
Còn sinh viên Lê Thị Thảo Lưu (Tiên Phước, Quảng Nam) thì bức xúc: “Em thuộc diện được miễn học phí và đã hoàn thiện hồ sơ xin miễn giảm. Tuy nhiên, hồ sơ của em không được nhận vì theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, phải có biên lai thu tiền của nhà trường. Trong khi đó, trường đại học nơi em đang theo học lại thu tiền học phí qua Ngân hàng (Agribank) nên chỉ có biên lai thu tiền của ngân hàng”. Do vướng về thủ tục, 2 năm học qua, Lưu không được cấp tiền miễn, giảm học phí. Bố mẹ Lưu là công nhân, lại đang nuôi 6 chị em ăn học nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Với quy định miễn giảm học phí được thực hiện theo hình thức học sinh, sinh viên đóng học phí tại trường đang theo học, sau đó mới làm thủ tục về địa phương để nhận tiền cấp bù miễn, giảm học phí cũng đã gây không ít khó khăn cho gia đình các sinh viên nghèo. Ông Nguyễn Bá Chuyên, huyện Eakar, Đăk Lăk, thương binh hạng 4/4, hiện có hai con đang học đại học, cho biết, theo Nghị định 49/2010/NĐ - CP, hai con của ông được miễn học phí. Tuy nhiên, hết học kỳ II năm học 2011 - 2012, gia đình ông mới được cấp tiền học phí của học kỳ I năm học 2010 - 2011. Hiện nay, 70% số tiền học của hai con là tiền gia đình đi vay lãi ngân hàng. “Việc không miễn học phí trực tiếp cho sinh viên ngay tại trường mà thực hiện đóng học phí rồi về địa phương xin cấp bù khiến phát sinh nhiều khó khăn, bởi thực tế đa số gia đình được miễn, giảm học phí đều có hoàn cảnh khó khăn và đã phải đi vay để đóng tiền học cho con. Hiện nhiều gia đình giống gia đình tôi, đang mắc nợ và phải trả lãi hàng ngày, hàng tháng” - ông Chuyên than thở.
Bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định 49 còn thể hiện qua sự không thống nhất trong văn bản thủ tục miễn giảm. Theo khoản 3, Điều 4 Nghị định 49, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa là một trong những nhóm đối tượng được miễn học phí. Tại hướng dẫn thực hiện miễn giảm học phí cho đối tượng này, Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH đề rất rõ, hồ sơ đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn học phí bao gồm bản sao quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện (hiện nay theo mẫu số 5 Thông tư số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18.8.2010 của liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính). Tuy nhiên, căn cứ theo Thông tư 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC và Nghị định 67/2007/NĐ - CP ngày 13.4.2007 của Chính phủ, mẫu số 5 nêu trên lại chỉ cấp cho trẻ em dưới 16 tuổi hoặc từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu còn đi học, nhưng thực tế sinh viên hầu hết từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, quyết định miễn học phí cho sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa sẽ không có giá trị nếu sinh viên đó mồ côi trước năm 18 tuổi. Sinh viên mồ côi sau năm 18 tuổi cũng không được miễn học phí do không đủ điều kiện để được cấp bản sao quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Có thể thấy những bất cập trong quá trình thực hiện đã gây không ít khó khăn cho những học sinh, sinh viên thuộc đối tượng thụ hưởng Nghị định 49. Chính vì vậy, các cơ quan thẩm quyền cần tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá việc hướng dẫn và thực hiện thu, chi, thủ tục thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, sau đó sớm sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên nghèo được miễn, giảm học phí.