Thủ tục lòng vòng

- Thứ Tư, 05/05/2021, 06:45 - Chia sẻ
Quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư; Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư… là những thủ tục hành chính nhà đầu tư phải trải qua khi muốn tiến hành dự án đầu tư bất kỳ.

Thủ tục này liên quan đến việc thẩm định của nhiều sở, ngành nhưng phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy các đơn vị không có sự thống nhất trong quá trình thực hiện, mỗi sở yêu cầu một khác và có khi chồng chéo lẫn nhau. Điều này dẫn đến thời gian chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp kéo dài nhưng vẫn không thỏa mãn yêu cầu của tất cả các bên.

Đơn cử, Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở quy định: ngoài thẩm định theo Luật Đầu tư thì dự án phải thẩm định theo Luật Nhà ở. Nghị định hướng dẫn Luật đất đai cũng yêu cầu nếu có thẩm định giao/thuê đất thì làm cùng luôn thẩm định chủ trương đầu tư. Trong khi thẩm định chủ trương là bước sơ khai, còn thẩm định về nhà ở đã có thiết kế chi tiết 1/500 và thẩm định về thủ tục giao/thuê đất cũng là bước chi tiết. Như vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư muốn thẩm định thì Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường phải làm trước; nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng: cần thẩm định vốn nên phải Sở Kế hoạch và Đầu tư làm trước; Sở Xây dựng cũng “nại”: Sở Kế hoạch và Đầu tư cần làm trước. Hệ quả là doanh nghiệp chạy lòng vòng qua các sở chuyên môn.

Đó là chưa kể, các chính sách về đầu tư có thay đổi rất nhiều nhưng lại không được công khai rộng rãi nên doanh nghiệp gặp khó trong việc chuẩn bị hồ sơ. Điển hình, Chính phủ có chủ trương hạn chế cấp phép đầu tư cho các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, công nghệ cũ, lạc hậu... nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể về công nghệ, tiêu chuẩn... nên cán bộ cũng không biết hướng dẫn doanh nghiệp ra sao và xử lý các trường hợp cấp phép/gia hạn thế nào.

Chia sẻ của nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy, những thủ tục này khá phức tạp trên thực tế, đặc biệt là liên quan đến điều chỉnh do tăng vốn/điều chỉnh tỷ lệ góp vốn giữa các nhà đầu tư. Chỉ có khoảng 1,5% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả thủ tục qua đường bưu điện thay vì đến trực tiếp cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính.

Một trong nhiều lý do lý giải cho việc doanh nghiệp muốn đến trực tiếp cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính là vì bộ hồ sơ yêu cầu cho các thủ tục đầu tư khá nhiều, đặc biệt là thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư và quá trình xử lý hồ sơ liên quan đến nhiều cơ quan quản lý. Doanh nghiệp khó có thể tự hoàn chỉnh bộ hồ sơ mà chỉ dựa vào các thông tin trên mạng, hay chỉ đọc văn bản quy phạm pháp luật. Việc đến làm việc trực tiếp với cơ quan nhà nước để được hướng dẫn chi tiết, thậm chí là bằng văn bản chính thức là lựa chọn “an toàn” cho hầu hết doanh nghiệp.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan thì các địa phương cần cải thiện hiệu quả công tác tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính đầu tư thông qua việc: tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, doanh nghiệp thông qua trang thông tin điện tử (website) của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; Công khai các thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư, và phối hợp với các bộ ngành liên quan để minh bạch thông tin về quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng.

Đồng thời cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó, chú trọng tới việc nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ tư vấn và chất lượng của đường dây nóng (hotline) hỗ trợ doanh nghiệp; bố trí cán bộ có đủ chuyên môn để giải đáp thắc mắc/vướng mắc của doanh nghiệp tại Bộ phận một cửa/Trung tâm hành chính công…

Đình Khoa