Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp - thông thoáng hay chặt chẽ?

Lê Bình 29/05/2014 08:40

Tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng, mở rộng điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính là đúng, nhưng cũng nên chú ý đến mục tiêu bảo đảm quản lý Nhà nước với doanh nghiệp.

Thực tế, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới năm 2013, khởi sự kinh doanh ở nước ta gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, xếp hạng thứ 109 trên 189 quốc gia và nền kinh tế. Ngoài ra, còn có sự nhầm lẫn giữa điều kiện thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Doanh nghiệp đã yêu cầu phải có một số điều kiện kinh doanh như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định này đã không còn hợp lý, gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho việc thành lập doanh nghiệp.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN
Điều gây phiền phức khác cho các doanh nghiệp là luật hiện hành quy định phải đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành kinh tế quốc dân. Quy định này khiến doanh nghiệp phải mất công tra mã ngành để khớp đúng, tránh bị trả lại hồ sơ. Và thường là một lý do được nơi nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đưa ra để gây khó dễ, đòi phí bôi trơn. Hơn nữa, yêu cầu doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành nghề mà được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã hạn chế nguyên tắc được Hiến định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực pháp luật không cấm, gây thêm phiền hà, tăng rủi ro, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Do đó, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã tiếp tục đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho thành lập doanh nghiệp, như: đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện); hài hòa hóa và thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về đăng ký thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội (các Điều 21 và 30). Đồng thời, tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như: yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định (các Điều: 22, 23, 24, 25).

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa qua, nhiều ĐBQH băn khoăn với việc quy định việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã thông thoáng hơn, nhưng không nhìn rõ những cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra sau này. Theo như ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh), không thể đánh đồng việc đăng ký thành lập với việc đăng ký khai sinh doanh nghiệp. Bởi nếu Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không có quy định để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp ma, doanh nghiệp nợ thuế hay nợ thanh toán theo hợp đồng kinh doanh, thì không thể đòi hỏi cơ quan chức năng khắc phục được hạn chế này. Thực tế tại tòa án cho thấy, do địa chỉ ghi trên giấy đăng ký kinh doanh không chính xác nên nhiều đơn kiện không thụ lý được vì không tìm được địa chỉ gửi đơn. Cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm cũng rơi vào tình trạng không đòi được thuế, không thu được nợ bảo hiểm xã hội vì địa chỉ của doanh nghiệp không chính xác.

Có thể thấy, nếu thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp không thông thoáng thì sẽ là chưa đúng với tinh thần Hiến pháp năm 2013. Ngược lại, nếu không kiểm soát được sự trung thực của hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì cơ quan chức năng khó thể bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia quan hệ kinh doanh. Nói cách khác, pháp luật đã không làm tròn vai của mình. Vậy thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp nên thông thoáng hay chặt chẽ?

Nhiều ĐBQH cho rằng, mở rộng điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính là đúng, nhưng cũng nên chú ý đến mục tiêu bảo đảm quản lý Nhà nước với doanh nghiệp. Bởi khi có rủi ro hay phát sinh tranh chấp giữa các bên ký kết hợp đồng, thì cơ quan chức năng mới có thể xử lý được, giúp bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ kinh doanh, quyền lợåi của các bên tham gia. Vậy, có thể bảo đảm quản lý Nhà nước với doanh nghiệp bằng cách nào? Một số ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần quy định rõ cá nhân, cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định đối với các chi tiết về địa chỉ, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động... trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bởi, nếu chỉ quy định đơn giản trụ sở chính của doanh nghiệp như dự thảo Luật (là địa chỉ có thể liên lạc được; có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố và ngõ phố (nếu có) hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), thì rủi ro sẽ thuộc về người tiêu dùng, đối tác tham gia hợp đồng. Những đối tượng này sẽ không thể khởi kiện doanh nghiệp, đòi bồi thường khi hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hợp đồng bị vi phạm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp - thông thoáng hay chặt chẽ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO