Thủ tục cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp

- Thứ Năm, 26/11/2020, 14:53 - Chia sẻ
Là chủ đề của hội thảo Công bố Báo cáo thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 26.11, tại Hà Nội.

Báo cáo này được xây dựng trên cơ sở khảo sát toàn quốc với sự tham gia của 10.000 doanh nghiệp trong đó xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% là doanh nghiệp dân doanh trong nước và 18% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần nhất.  Tùy theo phân loại công trình và theo hoạt động cụ thể trong tiến trình xây dựng, doanh nghiệp sẽ thực hiện thủ tục hành chính với các cơ quan giải quyết thủ tục có liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, hoạt động xây dựng rất quan trọng và liên quan đến nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Đồng thời, chịu sự quản lý của nhiều cấp, ngành nên thủ tục, quy định có nhiều phức tạp. Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã chú trọng cải thiện các thủ tục hành chính về xây dựng; không chỉ là quản lý cấp phép theo hướng đơn giản và minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu rủi ro, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, công trình. Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý nghiêm túc thực hiện việc cắt giảm số lần thanh, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp.

Báo cáo cho thấy, cần rút ngắn thời gian cấp phép trong lĩnh vực xây dựng

Ở góc độ của bộ quản lý chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, việc trao đổi ý kiến và tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân, doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách và các quy định, các thủ tục hành chính là rất quan trọng. Quá trình này, nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cắt giảm nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cũng như phản ánh của nhiều đại diện doanh nghiệp tại hội thảo cho thấy, các vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính là rất lớn, mà điển hình là những dự án có công trình xây dựng. Với những dự án như vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tiến hành các thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, ở nhiều cấp khác nhau, liên quan tới nhiều công đoạn từ xin phê duyệt chủ trương đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, khởi công... cho tới đưa công trình vào sử dụng. Những chồng lấn, xung đột trong pháp luật về quy trình thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền... đã gây ra nhiều tốn kém về thời gian và chi phí. Bản thân các cơ quan chính quyền cũng rất lúng lúng trong áp dụng pháp luật và phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý.  

Nguyễn Minh