Thủ tục cần minh bạch, rõ ràng
Tổng cục Hải quan đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát, kiểm sát hải quan (Dự thảo). Trong đó, quy định về thủ tục tái xuất và thủ tục thông báo khi thực hiện các dịch vụ trong kho ngoại quan đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp.

Khoản 29, Điều 1, Dự thảo quy định “Đối với hàng hóa tái nhập để sửa chữa, tái chế sau đó tái xuất hoặc tái nhập để tái xuất cho đối tác nước ngoài khác, thời hạn tái xuất không quá 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai tái nhập, trừ trường hợp hàng hóa đặc thù có thời gian sửa chữa, tái chế quá 12 tháng theo yêu cầu của chu trình sản xuất thì Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định theo thỏa thuận của các bên. Quá thời hạn sửa chữa, tái chế mà chưa tái xuất thì người khai hải quan phải khai, nộp đủ các loại thuế theo quy định và xử lý vi phạm (nếu có)”.
Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định về thời hạn tái xuất chưa thực sự cần thiết và chưa rõ mục đích quản lý. Bởi lẽ, trước đây, việc quy định thời hạn là nhằm bảo đảm phù hợp với quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu theo Nghị định số 149/2005/NĐ-CP. Song, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 đã đưa hàng hóa này thuộc diện miễn thuế. Trong khi đó, để được miễn thuế, doanh nghiệp phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc giấy nộp tiền đặt cọc vào tài khoản của cơ quan hải quan theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Do đó, nếu trong trường hợp doanh nghiệp có trì hoãn thời gian tái xuất hàng hóa, thì cơ quan hải quan vẫn có sự bảo đảm về số tiền thuế nhập khẩu doanh nghiệp phải nộp.
Liên quan đến việc quy định thời hạn tái xuất không quá 12 tháng, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là thời hạn tương đối ngắn với nhiều lô hàng tái nhập để tái chế có tính chất phức tạp hoặc số lượng lớn. Mặc dù, Dự thảo đã cho phép kéo dài thời gian trong trường hợp được Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan phê duyệt. Nhưng với quy định như trong Dự thảo thì thủ tục để xin phép kéo dài thời gian tái xuất chưa minh bạch và không rõ ràng khi giao hết thẩm quyền quyết định cho Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan mà không có tiêu chí xác định cụ thể. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng sau này và sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền.
Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 87 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định để được thực hiện các hoạt động trong kho ngoại quan doanh nghiệp phải nộp thông báo đến Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan, và được cán bộ hải quan xác nhận được nộp thông báo. Mặc dù, thủ tục này đã được thiết kế đơn giản, nhưng do nhu cầu về các dịch vụ trong kho ngoại quan luôn lớn và phát sinh thường xuyên, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo cho Chi cục Hải quan sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí và thời gian thực hiện thủ tục. Do đó, để bảo đảm các hoạt động doanh nghiệp được thực hiện đúng tiến độ, nhiều chuyên gia cho rằng Dự thảo cần bổ sung quy định này theo hướng trong trường hợp không có văn bản đồng ý trong một thời hạn nhất định được coi là đồng ý hoặc cân nhắc giải pháp cho phép doanh nghiệp nộp thông báo qua thư điện tử hoặc phần mềm điện tử.