Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Không dạy thêm, học thêm để mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội với vấn đề này. Do vậy cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả.

Ngày 30.12.2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Trước thời điểm Thông tư 29/2024/TT-BGD&ĐT chính thức có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có những trao đổi với báo chí về quy định mới này.

Nguyên tắc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm

- Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT ban hành và ngày 14.2.2025 sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ GD-ĐT đã xây dựng và ban hành Thông tư 29 dựa trên những quan điểm, nguyên tắc nào, thưa Thứ trưởng?

- Từ năm 2012 đến 2024, quy định dạy thêm học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 16.5.2012 và Quyết định số 2499/QĐ-BGD&ĐT ngày 26.8.2019 bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 26.8.2019.

Dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý. Ngày 10.1.2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 41/TTg-QHĐP giao Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 17 về dạy thêm, học thêm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT ngày 30.12.2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được xây dựng lần này với 5 quan điểm và nguyên tắc.

thu-truong-pham-ngoc-thuong-3-1526-4765.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Trần Hiệp

Thứ nhất, để thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, các quy định của pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Đồng thời thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10.1.2024.

Thứ hai, quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”. Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quản lý hoạt động này.

Thứ ba, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.

Thứ tư, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.

Thứ năm, dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình GDPT 2018 đã thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Hình thành phẩm chất, năng lực qua cả quá trình học và hoạt động giáo dục. Học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan. Hình thành phương pháp, thói quen, khả năng tự học của học sinh.

- Vậy đâu là những điểm mới của Thông tư quy định dạy thêm, học thêm để có thể bảo đảm được các quan điểm, nguyên tắc như trên, thưa Thứ trưởng?

- Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng Chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GD-ĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này; học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng. Do đó, Bộ GD-ĐT không cấm. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời gian làm việc, an toàn, an ninh...

thieu-nhi-bd-1.jpg
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Ảnh: Văn Dũng

Thay đổi thói quen, nhận thức về dạy thêm, học thêm

- Thông tư quy định dạy thêm, học thêm với các quy định mới, nhận được đánh giá tích cực từ xã hội, tuy nhiên trước thời điểm chính thức thực hiện cũng có những lúng túng trong việc triển khai. Thứ trưởng chia sẻ gì trách nhiệm của các bên trong triển khai thực hiện Thông tư này?

- Như tôi đã trao đổi ở trên, việc ban hành Thông tư quy định dạy thêm, học thêm là để phù hợp với rất nhiều các chính sách, quy định hiện hành và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cho đến thời điểm này, qua theo dõi dư luận, các quy định của Thông tư nhận được sự đồng tình từ xã hội. Như vậy, tổng thể để quản lý một vấn đề “lớn, khó” như dạy thêm, học thêm đã được thể hiện thông qua các quy định của Thông tư 29. Bây giờ là quá trình thực hiện, trong đó “hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống.

Về phía Bộ GD-ĐT, sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7.2.2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GD-ĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.

Về phía UBND các tỉnh cần chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định; triển khai thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7.2.2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc thẩm quyền trách nhiệm của UBND tỉnh/Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định; kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh; hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Về phía các Sở GD-ĐT, chúng tôi được biết hiện nhiều Sở GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và đã tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đề nghị các Sở GD-ĐT tiếp tục quan tâm và sớm ban hành hướng dẫn, tham mưu phù hợp với địa phương.

Đối với các nhà trường và thầy cô, trách nhiệm của chúng ta là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.

Đối với phụ huynh học sinh và xã hội: Lĩnh vực giáo dục nói chung và vấn đề chúng ta đang bàn tới là dạy thêm, học thêm nói riêng, chỉ nỗ lực của ngành Giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực. Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả.

z6292868723542-ad4543f9e5b6080b6912b82630b4a64d.jpg
Để quản lý một vấn đề “lớn, khó” như dạy thêm, học thêm thì cần “hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên”. Ảnh: Nhật Phương

Hiểu, làm đúng trách nhiệm

- Trên thực tế dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của cả người dạy và người học, nhưng thời gian qua vẫn còn tồn tại những hiện tượng dạy thêm, học thêm tiêu cực. Thứ trưởng có thể cho biết, đâu là những giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả?

- Dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội với vấn đề này. Do vậy cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả. Ở đây tôi đề cập tới một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, giải pháp hành chính: Ban hành Thông tư, các quy định cụ thể.

Thứ hai, giải pháp chuyên môn: Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh.

Đổi mới kiểm tra đánh giá: kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh. Tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; cụ thể: như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố...

Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học: Cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. Tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ tư, giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Thứ năm, giải pháp về tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định. Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội.

Ngoài ra, những chính sách để đảm bảo đời sống cho nhà giáo cũng là giải pháp cho vấn đề này. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó Luật Nhà giáo dự kiến được ban hành trong thời gian tới cũng sẽ mang lại những chính sách tích cực cho nhà giáo.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Giáo dục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII

Sáng 20.4, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII và Tổng kết Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665). Ngày hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Liên kết với nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn
Giáo dục

Liên kết với nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn

Sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trường ĐH Giao thông Vận tải khánh thành tòa nhà trung tâm điều hành có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng
Giáo dục

Trường ĐH Giao thông Vận tải khánh thành tòa nhà trung tâm điều hành có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng

Sáng 19.4, Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức lễ khánh thành tòa nhà trung tâm điều hành và làm việc của cán bộ, giảng viên. Đây là dự án trọng điểm của nhà trường, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục để trở thành văn hóa học tập suốt đời
Giáo dục

Xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục để trở thành văn hóa học tập suốt đời

Theo các chuyên gia, để tổ chức phong trào “Bình dân học vụ số” một cách hiệu quả, chất lượng, trước hết cần nâng cao nhận thức. Mỗi người dân, học sinh, giáo viên phải nhận thức được rằng việc trang bị năng lực số là phục vụ chính mình. Phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục, trở thành văn hóa học tập liên tục, xã hội học tập. 

7.200 học sinh tham gia khảo sát PISA trên máy tính toàn quốc
Giáo dục

7.200 học sinh tham gia khảo sát PISA trên máy tính toàn quốc

Năm 2025 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện khảo sát PISA trên máy tính tại 60/63 tỉnh, thành phố, ở 195 trường với 7.200 học sinh tham gia. Cùng với đánh giá các lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học, đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam được tham gia đánh giá năng lực học tập trong thế giới số.

Tọa đàm: "Bình dân học vụ số - làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả? "
Tọa đàm - Talkshow

Tọa đàm: "Bình dân học vụ số - làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả? "

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức cuộc Tọa đàm: “Bình dân học vụ số - Làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả?”, với mong muốn làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp thiết của phong trào “Bình dân học vụ số”; phân tích những khó khăn, rào cản trong quá trình phổ cập tri thức số tới toàn dân; gợi mở và đề xuất những giải pháp khả thi, sáng tạo và phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, người cao tuổi, người lao động phổ thông…

Tham dự Tọa đàm có các khách mời: Cục Phó Cục Khoa học Công nghệ và Thông tin (Bộ GD-ĐT) Tô Hồng Nam; PGS.TS. Hà Minh Hoàng, Trưởng Khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Đại học kinh tế Quốc dân và ông Nguyễn Nhật Quang Hội đồng Sáng lập VINASA -Hiệp hội phần mềm và CNTT Việt Nam.