Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: "Điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 không “sốc” như nhiều người lo ngại"
Thứ trưởng khẳng định, phổ điểm năm nay trên thực tế không có sự "sốc" như nhiều người lo ngại. Điểm trung bình, trung vị, độ lệch chuẩn vẫn tương đồng với nhau, thể hiện sự ổn định.
Điểm thi đủ tiêu chuẩn để xét tuyển đại học
Tại hội nghị công bố phổ điểm thi, tổ chức chiều 15/7, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho biết, đến thời điểm này, có thể khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã thành công tốt đẹp, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đề ra.
Cụ thể, kỳ thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt trong Chương trình GDPT; Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT/Giáo dục thường xuyên và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Để đạt được mục đích này, áp lực với Bộ GD-ĐT, với các Sở GD-ĐT trong tổ chức kỳ thi là rất lớn, nhưng quyết tâm cao phải vượt qua áp lực, khó khăn để làm tốt, vì người học.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khó khăn hơn rất nhiều so với năm trước, khi chúng ta chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, nên độ khó, dễ của đề cũng phải có một chuẩn riêng. Bên cạnh đó, để đảm bảo định hướng nghề nghiệp, phát huy hết phẩm chất, năng lực của học sinh, chúng ta tạo cơ hội cho các em lựa chọn môn thi. Điều này dẫn tới tại một số tỉnh, có những môn thi chỉ có 1 thí sinh dự thi, nhưng các em vẫn được tạo điều kiện tổ chức dự thi bình thường.
Bên cạnh đó, việc giảm từ 4 buổi thi xuống còn 3 buổi giúp giảm bớt tốn kém và giảm áp lực cho thí sinh, nhưng thách thức đặt ra là với buổi thi thứ 3 (đồng loạt tổ chức thi 16 môn), công tác phát đề, thu đề phải rất khoa học. Trước kỳ thi, các cán bộ làm công tác coi thi đã thực hiện rất tốt chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là “thi thử nhưng vận hành thật”, từ đó dẫn tới không có nhầm lẫn nào xảy ra trong kỳ thi chính thức.
“Chúng ta rất phấn khởi vì đã tổ chức kỳ thi đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đề ra; đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo “không để ai bị bỏ lại phía sau”, phát huy hết năng lực của thí sinh và tạo cơ hội tối đa để các em dự thi”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT được giảm áp lực bằng cách trọng số trong tổng điểm xét tuyển chỉ chiếm 50%, còn lại từ điểm học bạ. Do đó, dù có tên gọi là kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng kỳ thi không chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp, mà cần từ kết quả này để đánh giá chất lượng dạy, học và đưa ra điều chỉnh.
Bộ GD-ĐT cũng thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi. Ngoài việc bảo đảm công bằng trong công tác tuyển sinh, đối với việc dạy và học ở địa phương, điểm hiệu chỉnh cho phép đánh giá khách quan mức độ tiến bộ của từng môn khi so sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp các môn khác nhau trong cùng địa phương.
Theo Thứ trưởng, các chuyên gia đánh giá rất cao việc Bộ GD-ĐT có điểm hiệu chỉnh chuẩn hóa theo phương pháp tính khảo thí rất khoa học và gần như chính xác tuyệt đối. Điều này sẽ góp phần tác động ngược trở lại tới quá trình quản lý dạy học, quá trình đầu tư về chính sách, về cơ sở vật chất, về công tác dạy học của các thầy cô.
Với công tác tuyển sinh cao đẳng, đại học, khi kết quả phổ điểm phân hóa, các cơ sở giáo dục đại học có đầy đủ tin tưởng để tuyển sinh.
Cần bỏ dần tư duy đánh giá điểm số
Cũng theo Thứ trưởng, trước đây với mục tiêu là đánh giá kiến thức, quá trình dạy và học không tránh khỏi hiện tượng học thuộc, học vẹt, ôn thi theo đề. Nhưng với mục tiêu kiểm tra năng lực như chương trình hiện nay, phương pháp, mức độ của đề thi đã có sự thay đổi, dẫn đến một số hoang mang ban đầu.
Tuy nhiên, qua phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 có thể thấy, quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, quá trình dạy học của các thầy cô giáo, việc trang bị và hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh là phù hợp với chương trình đổi mới.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác quản lý của ngành giáo dục nói chung, ghi nhận nỗ lực đổi mới của các thầy cô và đặc biệt là cố gắng của học sinh.

Qua kỳ thi, có thể thấy học sinh phổ thông chuyển trạng thái nhanh, thích ứng tốt với hình thức thi mới; giáo viên đã thay đổi phương pháp dạy, tập trung hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh thay vì chỉ dạy kiến thức theo khuôn mẫu. Thứ trưởng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là cần bỏ dần tư duy đánh giá điểm số, không nên quá nặng nề về việc đạt điểm 9, 10. Đây là những con số định lượng, nhưng chỉ là một trong các thông số, không phải là tất cả.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhìn nhận, những kết quả này cho thấy định hướng đổi mới là đúng, giúp thí sinh có thể phát huy hết sở trường, đăng ký môn thi theo nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp. Phần khó khăn, vất vả hướng nhiều hơn về các thầy cô, về công tác tổ chức thi, ra đề, coi thi, chấm thi, nhưng đã giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh và học sinh, đồng thời tăng cơ hội cho học sinh.
Quan trọng hơn, từ kết quả này và điểm hiệu chỉnh có thể tác động tới quá trình dạy học, giúp học sinh sẵn sàng chọn các môn mình yêu thích nhất để phát triển hết phẩm chất và năng lực của mình và sau này dự thi. Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT đã lần đầu tiên làm được điều này, hướng tới học sinh và hướng đến kết quả thật, theo đúng tinh thần chỉ đạo: học tập phải chủ động, sáng tạo; học thật, thi thật, kết quả thật, nhân tài thật.