"Thu phí" hay "thu giá"?

- Thứ Hai, 16/11/2020, 18:16 - Chia sẻ
Một "phát hiện" được đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng) nêu tại phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục đưa "thu giá" vào trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo đại biểu Nguyễn Trọng Bình, đây là việc hơi “thiển cận” vì đúng là hiện nay Việt Nam có nhu cầu thu hút vốn xã hội vào đầu tư cao tốc và đây là chính sách mới trong dự thảo luật. Tuy nhiên, dự thảo lại giải quyết chưa thoả đáng vấn đề tồn tại, thể hiện ở điều 48: Đầu tư xây dựng đường cao tốc để kinh doanh khai thác. Điều khoản này quy định, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc được "thu giá" sử dụng đường cao tốc; được "thu giá” khai thác sử dụng lắp đặt công trình đường dây, cáp điện, viễn thông, ống cấp, thoát nước, ống dẫn năng lượng vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung của đường cao tốc…

Theo tôi nêu vấn đề này ra là nhiều điều phải bàn thảo đấy. Cách đây mấy kỳ họp, chính Bộ Giao thông - Vận tải sửa một loạt biển tên thành trạm thu giá, đã "nổi sóng" cả trong nghị trường cả bên ngoài. Rất nhiều nhà ngôn ngữ học đã vào cuộc, nó thu giá không có nghĩa, không bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt, giờ lại đưa vào luật này thì tôi nghĩ giải quyết hơi thiển cận. Không nên đưa vào đây. Nhà đầu tư đường cao tốc được phép thu tiền hoàn vốn thì nói là thu tiền cho rõ ràng, chứ không nên hợp thức hoá theo cách này. Đã gây tranh cãi rồi, đã rút lui rồi, giờ lại đưa vào trong luật “được thu giá sử dụng đường bộ” là không phù hợp, làm xấu vấn đề đi... đại biểu Nguyễn Trọng Bình nhấn mạnh.

Còn nhớ thời điểm đầu năm 2018, mà đỉnh điểm là tháng 5.2018, dư luận phản ứng gay gắt việc đặt các trạm thu phí BOT tùy tiện tại nhiều địa phương cùng với việc đổi tên gọi các trạm thu phí BOT từ thu phí thành "thu giá". Cho đến phiên họp Chính phủ đầu tháng 6.2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân để nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT và không sử dụng tên “trạm thu giá”. Ngày 10.7.2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long yêu cầu chính thức triển khai việc sử dụng tên gọi "trạm thu phí".

Chừng một năm sau, vào tháng 5.2019, khi trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ sẽ không thay đổi tên gọi, bảng hiệu "trạm thu phí". Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ Giao thông - Vận tải không đề xuất đổi tên trạm thu phí thành "trạm thu tiền" mà đưa ra khái niệm giải thích nội hàm các trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ theo đúng quy định của luật Giá. Tên gọi “trạm thu phí”, “trạm thu giá” hay “trạm thu tiền” chỉ là tên gọi xác định vị trí địa điểm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ của các dự án giao thông. Bản chất các trạm này vẫn là nơi thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn cho dự án...

Xét tổng thể trong dự án luật, có thể đây chỉ là "vấn đề kỹ thuật", nhưng nếu đặt trong bối cảnh riêng: Cụm từ này đã từng bị phản ứng mạnh mẽ và cuối cùng đã phải chuyển thành "thu phí" như ban đầu thì rõ ràng không ổn. Nếu muốn gọi là "thu giá", cần thiết phải có lý lẽ thuyết phục và cơ sở pháp lý vững chắc để lập luận.

Ninh Khương