Thư ký Nghị viện - nhân vật trung tâm cơ quan hành chính

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 06:33 - Chia sẻ
Nghị viện Zimbabwe là cơ quan lập pháp lưỡng viện bao gồm Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện có 80 thành viên, trong đó 60 thượng nghị sĩ được bầu theo tỷ lệ đại diện từ 10 khu vực bầu cử 6 thành viên tương ứng với các tỉnh của đất nước. Trong số 20 ghế còn lại, 18 ghế dành cho người đứng đầu các địa phương và hai ghế dành cho người khuyết tật. Hạ viện bao gồm 270 thành viên. Trong số này, 210 người được bầu từ các khu vực bầu cử một thành viên. 60 ghế còn lại được dành cho phụ nữ và được bầu theo tỷ lệ đại diện từ mười khu vực bầu cử gồm 6 thành viên tương ứng với các tỉnh của đất nước.
Thư ký Nghị viện Zimbabwe chủ trì buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của nghị sĩ khóa mới sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018
Nguồn: ITN

Cuộc họp của Thượng viện do Chủ tịch Thượng viện chủ trì với sự hỗ trợ của Phó Chủ tịch. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện không phải là nghị sĩ. Quy định này nhằm bảo đảm việc chủ trì các phiên họp của Hạ viện diễn ra một cách công tâm, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố đảng phái. Phó Chủ tịch Hạ viện là người hỗ trợ cho Chủ tịch cũng như thay mặt cho Chủ tịch điều hành công việc của Hạ viện khi nhân vật này vắng mặt.

Nhân vật đứng đầu bộ phận quản lý hành chính của Nghị viện là Thư ký Nghị viện, Ủy ban về Nội quy và Sắc lệnh thường trực (SROC) bổ nhiệm với nhiệm kỳ 6 năm, phụ trách về thủ tục và hành chính của Nghị viện. Liên quan đến các nhiệm vụ về thủ tục, Thư ký Nghị viện phụ trách quản lý Lời tuyên thệ trung thành của các nghị sĩ mới trúng cử; chứng thực các đạo luật được Nghị viện thông qua trước khi gửi tới cho Tổng thống ký ban hành; nhận và phê chuẩn các sắc lệnh hành chính của Nghị viện… Thư ký Nghị viện hiện nay là ông Kennedy Mugove Chokuda, người mới được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ tháng 5.2021.

Liên quan đến các vấn đề về hành chính, Thư ký Nghị viện chịu trách nhiệm lên kế hoạch ngân sách hàng năm của cơ quan lập pháp, kiểm soát các khoản chi tiêu; giữ vai trò là người giám hộ tài sản của Nghị viện; giám sát toàn thể các nhân viên hành chính của Nghị viện, đồng thời giữ vai trò là Thư ký của Ủy ban Nội quy và Sắc lệnh thường trực.

Kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2000, chương trình cải cách Nghị viện đặt ra những yêu cầu lớn hơn đối với khả năng đáp ứng và chất lượng dịch vụ của cơ quan hành chính Nghị viện. Đứng trước những yêu cầu mới này, Thư ký Nghị viện đã phải đầu tư nhiều công sức hơn cho hoạt động quản lý hành chính của mình, bao gồm các vấn đề vĩ mô, chẳng hạn như: Kiểm soát chất lượng cung cấp dịch vụ; giám sát liên tục việc thực hiện Kế hoạch Thường niên, trong đó đặt ra các mục tiêu và chỉ số hoạt động rõ ràng cho từng đơn vị của cơ quan hành chính; liên tục có các chương trình đào tạo cho nhân viên hành chính nhằm nâng cao năng lực và phát triển nghề nghiệp của nhân viên, đặc biệt tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo và quản lý.

Quỳnh Vũ