Nguyễn Viết Khôi Nguyên, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP. Từ Sơn, Bắc Ninh) là thủ khoa khối C00 toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Nam sinh đạt tổng điểm 29,5, với lần lượt các môn Ngữ văn 9,75 điểm; Lịch sử 9,75 điểm và Địa lý 10 điểm.
Hiện nay, Khôi Nguyên là sinh viên chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Khôi Nguyên cho biết trong những ngày “nước rút” cuối cùng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, em không ôn thêm kiến thức mới mà về cơ bản chỉ tập trung xem lại những phần kiến thức mình đã làm sai trong các đề thi thử. Từ đó, rút kinh nghiệm để hạn chế đến mức tối đa lỗi sai.
Bên cạnh đó, nam sinh ưu tiên dành nhiều thời gian cho môn học cảm thấy đang yếu hơn so với các môn còn lại.
“Theo em, điều quan trọng nhất trong những ngày ôn thi cuối cùng không phải là ôn được bao nhiêu kiến thức, mà phải làm sao giữ được sức khỏe ổn định, chuẩn bị tâm thế vững vàng nhất”, thủ khoa khối C00 toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nói.
Thông thường, khi ôn tập các môn xã hội, nhiều thí sinh áp dụng cách thức “ôn ngày ôn đêm”, ngủ rất ít để nạp kiến thức nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, Khôi Nguyên cho rằng giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng, giúp việc ôn tập hiệu quả, cũng như giữ được sự tỉnh táo trong phòng thi.
“Mỗi bạn sẽ có khung giờ sinh hoạt, khoảng thời gian lý tưởng để ôn tập khác nhau. Với em, em hay tập trung tốt vào buổi sáng sớm nên thường ngủ lúc 22h30’ - 23h, sau đó dậy vào 4h30’ sáng để ôn bài. Cũng có những bạn tập trung tốt nhất vào tầm nửa đêm. Nhưng dù ôn thi vào thời điểm nào, em nghĩ rằng vẫn cần đảm bảo ngủ đủ giấc”, Khôi Nguyên chia sẻ.
Thủ khoa khối C00 cho rằng, việc “sĩ tử” mất bình tĩnh trước khi thi và khi bước vào phòng thi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các bạn có thể lấy lại bình tĩnh bằng cách xác định rõ ràng mục tiêu, trách nhiệm của mình. Đây là những yếu tố có thể giúp các bạn “át đi nỗi sợ” khi làm bài thi.
Đặc biệt, với môn Ngữ văn, thời gian gần hết giờ thi thường là thời điểm nhiều thí sinh rất rối. Khôi Nguyên đưa ra lời khuyên, khi thời gian thi không còn nhiều, thí sinh nên xác định “đủ trước hay sau”, tức là làm đủ ý sẽ tốt hơn chỉ cố tập trung làm dàn trải vào một ý.
“Các bạn nên đảm bảo đủ ý chính của mỗi phần và làm sao kết bài nhanh nhất có thể, không cần cố gắng viết quá hay trong khi thời gian không còn”, Khôi Nguyên nói.
Với môn Lịch sử và Địa lý, thủ khoa khối C00 cho rằng, nên xử lý hết tất cả 40 câu bằng tư duy thay vì làm mẹo.
“Năm trước, trong bài thi môn Địa lý có một câu về biểu đồ mà bình thường các bạn hay làm mẹo, nhưng với câu đó, làm mẹo không thể cho ra kết quả đúng mà phải dùng tư duy. Em nghĩ rằng các bạn nên lưu ý điều này”, Khôi Nguyên chia sẻ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29.6. Trong đó: ngày 26.6, thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28.6, tổ chức coi thi; ngày 29.6 là lịch dự phòng.
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là giữ nguyên như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm trước. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn. Từ đó, từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018.