Việt Nam cũng đã thông qua Nghị quyết 115/NQ-CP thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2030. Theo đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp điện tử, ngành kỹ thuật cơ khí, công nghiệp công nghệ cao và ngành công nghiệp ô tô. Dự kiến, đến năm 2030 sẽ có khoảng 2.000 công ty có khả năng cung cấp trực tiếp linh kiện, thiết bị cho các nhà lắp ráp và các tập đoàn đa quốc gia.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư như cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng khung pháp luật thuận lợi, ưu đãi hơn; hỗ trợ doanh nghiệp, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất… Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực như điện, điện tử, may mặc, ô tô, da giày… Chuẩn bị nguồn quỹ đất khu công nghiệp, bất động sản công nghiệp với 395 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập mới, tương đương tổng diện tích hơn hơn 123.000 ha; 291 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 87.100 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 80%.
Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, các dự án liên quan đến sản phẩm bảo vệ môi trường được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Chính sách này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư ban đầu mà còn tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa xanh.
Với nhiều chính sách hỗ trợ của Chính Phủ, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã tăng mạnh. Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế với 17,1 tỷ USD, tương đương 62,6% tổng vốn FDI đăng ký, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Theo thống kê, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn.
Điển hình là Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor; Hana Micron Vina (Hàn Quốc) - doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác - cũng đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang)...