Thu hút nguồn lực xã hội quảng bá điện ảnh

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:23 - Chia sẻ
Tổ chức liên hoan phim, tuần phim là một đòi hỏi thiết yếu trong đời sống nghệ thuật hiện nay. Theo các chuyên gia, việc huy động nguồn lực xã hội tổ chức hoạt động quảng bá điện ảnh sẽ phát huy tối đa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, qua đó tăng cường giới thiệu tác phẩm, giao lưu nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của khán giả yêu điện ảnh.

Sôi nổi hoạt động quảng bá phim

Từ lâu, liên hoan phim, tuần phim là “kênh” quảng bá điện ảnh phổ biến và có uy tín đối với nhà làm phim và điện ảnh các quốc gia. Ở nước ta, Liên hoan Phim Việt Nam đã trải qua chặng đường 50 năm ra đời và phát triển với 21 kỳ tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội bắt đầu từ năm 2010, đến nay sau 5 kỳ tổ chức thành công, đã gây được nhiều tiếng vang trong nước và quốc tế. Không chỉ thu hút số lượng phim đông đảo và nhiều tác phẩm hàng đầu thế giới, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội còn tổ chức nhiều hoạt động kết nối các nghệ sĩ, khán giả cũng như các nền điện ảnh. Các hoạt động chuyên môn tại Liên hoan phim giúp những tài năng trẻ có cơ hội trao đổi kiến thức với các nhà làm phim chuyên nghiệp đến từ những nền điện ảnh tiên tiến của châu Âu, châu Mỹ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với các nhà sản xuất, đơn vị phát hành, nhà đầu tư và tổ chức điện ảnh lớn trong khu vực.

Hoạt động hợp tác quốc tế, giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các liên hoan phim lớn trên thế giới và khu vực, các “Tuần phim Việt Nam” được tổ chức sôi động hơn. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 - 2019, hơn 20 tuần phim Việt Nam và chuỗi hoạt động giới thiệu văn hóa và quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài đã được tổ chức thành công.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghệ thông tin phát triển tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều phương thức, công nghệ làm phim, nhiều tác phẩm điện ảnh đã được thực hiện với những sáng tạo, tìm tòi và khám phá. Nhu cầu phổ biến tác phẩm, giao lưu học hỏi kinh nghiệm tăng mạnh, do đó, tổ chức những “ngày hội” điện ảnh là một đòi hỏi thiết yếu trong đời sống nghệ thuật hiện nay.

Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành mới chỉ quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức liên hoan phim quốc gia và liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam; liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Hội Điện ảnh tổ chức và phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận. Theo TS. Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, hầu như các liên hoan phim trên thế giới không do Bộ chủ quản đứng ra tổ chức. Theo quy định của Luật Điện ảnh (2006), Cục Điện ảnh tổ chức 8 kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế; vốn “ngập lụt” vì công việc quản lý, thêm tổ chức sự kiện là vô cùng vất vả, khó khăn.

Trong khi đó, thực tế, các cá nhân, tổ chức, đoàn thể muốn tổ chức liên hoan phim cần liên kết với một đơn vị có thẩm quyền. Nhiều người trong ngành cho rằng, các quy định trong Luật hiện nay vẫn hạn chế việc tổ chức những sự kiện quảng bá điện ảnh. Vì vậy, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần “mở” hơn, cho phép xã hội hóa tổ chức liên hoan phim, tuần phim...

Khuyến khích đơn vị có chuyên môn, nhân lực và tài chính tổ chức hoạt động quảng bá điện ảnh

Nguồn: ITN 

Có chính sách thu hút nguồn lực xã hội

Những năm gần đây, việc xã hội hóa điện ảnh phát triển mạnh, nhiều thành phần kinh tế, xã hội tham gia hoạt động điện ảnh, số lượng phim do tư nhân huy động vốn sản xuất cao hơn nhiều lần so với phim Nhà nước đặt hàng sản xuất. Các bộ phim này cũng thu hút khán giả, nhiều bộ phim có doanh thu cao, thậm chí cạnh tranh được với phim bom tấn ngoại nhập. Việc tổ chức các sự kiện điện ảnh như liên hoan phim quốc gia và quốc tế, liên hoan phim chuyên ngành, ngày phim Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích, thu hút thêm nguồn đầu tư từ xã hội, đặc biệt cho các hoạt động quảng bá điện ảnh ngoài nước. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức có chuyên môn, có đủ nhân lực và tài chính được tổ chức các sự kiện giới thiệu điện ảnh nước nhà. Việc xã hội hóa cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước giảm tải, tập trung vào nhiệm vụ quản lý, hơn là phải lo tổ chức liên hoan phim định kỳ.

Ông Lê Hồng Chương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, thông lệ quốc tế không có cơ quan quản lý nhà nước nào đứng ra tổ chức liên hoan phim, bởi việc tổ chức này đòi hỏi đội ngũ chuyên nghiệp, làm việc hàng năm. Tuy nhiên, Nhà nước có vai trò tài trợ, định hướng. Ở châu Âu, hầu như không có liên hoan phim nào “đứng” được nếu thiếu tài trợ của địa phương.

Nhiều nhà chuyên môn góp ý, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép cho các tổ chức có chuyên môn, năng lực được phép tổ chức và hợp tác tổ chức liên hoan phim quốc gia, liên hoan phim quốc tế, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề trình chiếu các tác phẩm điện ảnh trong nước và quốc tế và giám sát việc tổ chức các sự kiện điện ảnh đó tuân thủ quy định của Luật Điện ảnh và các luật có liên quan.

Bên cạnh đó, giảm thiểu quy định hạn chế tổ chức liên hoan phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài; cho phép tổ chức chiếu phim Việt Nam tại nước ngoài với những tác phẩm điện ảnh đã được cấp phép phổ biến và phân loại phim. Mặt khác, cần luật hóa việc gắn kết điện ảnh và du lịch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa hai ngành kinh tế, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, qua đó thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nâng cao vị thế, thương hiệu của điện ảnh Việt Nam.

Thảo Nguyên