Nhịp cầu

Thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững

- Thứ Năm, 23/04/2020, 07:24 - Chia sẻ
Từ ngày 17.5.2019 đến ngày 23.2.2020, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 6.775 hộ, thuộc 778 thôn bản, tổ dân phố của 125/164 xã, phường, thị trấn trên 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai, làm 37.210 con lợn ốm chết và phải tiêu hủy. Để phòng chống dịch, tỉnh Lào Cai đã trích ngân sách địa phương mua vật tư khử chuồng trại, tiêu hủy lợn dịch, trang thiết bị bảo hộ sinh học, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ được thực hiện theo chính sách tại Điều 17, Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Qua phối hợp giám sát của thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh tại một số đơn vị cấp huyện cho thấy: Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố thống kê tổng hợp đầy đủ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi và hỗ trợ thiệt hại cho Nhân dân theo đúng quy định. Công tác khử trùng tiêu độc cũng được các huyện, thị, thành phố thực hiện tốt. Các hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh đã được tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thường xuyên quét dọn chuồng trại, vệ sinh khử trùng tiêu độc, chủ động mua vôi bột rắc định kỳ, xung quanh chuồng trại, khu vực lối đi, bảo đảm khử trùng để chuẩn bị cho việc tái đàn khi địa phương công bố hết dịch.

Qua kiểm tra, giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và Bảo Yên cho thấy, không phát hiện có trường hợp khai khống, gian lận nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước; các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đều được chi đúng mục đích cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các hộ có lợn mắc bệnh chết phải tiêu hủy bảo đảm công khai, minh bạch đúng đối tượng và quy định.

Tuy nhiên, qua tổng kết đánh giá kết quả thực hiện phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cho thấy nguyên nhân cơ bản để dịch bùng phát một phần do việc thực hiện kiểm dịch vận chuyển tại một số chốt chưa đáp ứng yêu cầu chống dịch. Bên cạnh đó, đến nay hầu hết tại các huyện, thị đều chưa có cơ sở, điểm giết mổ bảo đảm quy định, khó khăn trong kiểm soát trước và sau khi giết mổ nên có thể làm phát tán dịch bệnh qua khâu giết mổ tiêu thụ thịt lợn, nhất là giết mổ lợn trong vùng dịch.

Trong khi đó, Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17.4.2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn quy định mức hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Tuy nhiên, trên địa bàn các huyện, thị, thành phố của tỉnh chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh tăng cường kiểm dịch tại một số chốt, chính quyền và ngành chức năng cần có những giải pháp tích cực hơn nữa thu hút doanh nghiệp đầu tư các cơ sở, điểm giết mổ bảo đảm quy định để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Thanh Chi