Thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp Nghệ An

- Thứ Tư, 29/12/2021, 06:35 - Chia sẻ
Trong khi bước đầu các khu công nghiệp đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư kinh doanh thì việc bố trí nguồn lực cho các cụm công nghiệp ở Nghệ An lại khó khăn. Liệu Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có giải được bài toán này?

Nguồn lực ít, lại dàn trải

Hiện, Nghệ An có 23 cụm công nghiệp với diện tích là 488,63ha. Theo đó, gần 10 cụm công nghiệp đã thu hút 253 doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, trong đó 4 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Có thể nói, các cụm công nghiệp đã góp phần thúc đẩy công nghiệp tỉnh phát triển và tạo việc làm, thu nhập cho 22.360 lao động nông thôn, giá trị sản xuất hàng năm đạt khoảng 3.655 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng trên 240 tỷ đồng/năm.

Một nhà máy ở Cụm công nghiệp Nghĩa Long, Nghĩa Đàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đầu tư và quản lý các cụm công nghiệp đã xuất hiện không ít vướng mắc. Do nguồn lực đầu tư hạn hẹp nên nhiều cụm công nghiệp được quy hoạch nhưng không có nguồn lực nên đầu tư dang dở, dàn trải, không phát huy hiệu quả tối đa. Có tới 17 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư và 12 cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch mà không triển khai được.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, một số cụm công nghiệp trước đây quy hoạch nhưng nay ở quá gần khu dân cư, nếu tiếp tục triển khai sẽ phát sinh phức tạp về môi trường. Không những thế, do chưa có tiêu chí và một số huyện vì áp lực mặt bằng sản xuất công nghiệp nên không ít cụm công nghiệp được phê duyệt nhưng diện tích chỉ có 4 -7ha, nay đối chiếu theo quy định thì không đủ tiêu chí.

Mặc dù từ năm 2015, Chính phủ hạn chế thu hồi đất lúa và các cụm công nghiệp thường được định hướng quy hoạch ở vùng xa dân cư. Tuy nhiên, quy định trên cũng khiến đầu tư cụm công nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn vì xa trung tâm, xa quốc lộ, tỉnh lộ đồng nghĩa với cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém nên khó thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng. Thực tế tại Đô Lương, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu… đã chứng minh điều đó khi một số nhà đầu tư đến khảo sát rồi đi không trở lại.

Một nhà đầu tư bất động sản công nghiệp ngoại tỉnh đánh giá, tại Nghệ An ngoại trừ 8 cụm công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam quản lý có nhà đầu tư nên hạ tầng cơ bản và giá thuê khá cao, còn lại cụm công nghiệp rất khó vào đầu tư. Theo tính toán, để đưa mỗi hecta bất động sản vào kinh doanh, cho thuê cần tiền vốn từ 500 - 700 triệu đồng, thậm chí 1 tỷ đồng tùy khu vực. 

Bộ Công thương đang trình Chính phủ Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư cho cụm công nghiệp tại địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, theo đó sẽ dành nguồn lực 4.900 tỷ đồng để bổ sung cho các địa phương.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Thực tế, Nghệ An cũng đã xây dựng kế hoạch huy động khoảng 900 tỷ đồng cho 24 cụm công nghiệp đã được phê duyệt nhưng ngân sách qua các năm chỉ đầu tư được gần 300 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch. Năm 2021 đầu nhiệm kỳ cần nguồn vốn để hoàn thiện các hạ tầng thiết yếu giai đoạn trước nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên kinh phí đầu tư bị cắt gọt. Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Nguyễn Văn Hiệp cho biết: so với các tỉnh, cụm công nghiệp nhỏ của Nghệ An mới chỉ mức trung bình. Tuy nhiên, do khâu giải phóng mặt bằng khó khăn, nguồn lực đầu tư của tỉnh hạn chế nên tiến độ đầu tư rất chậm; mặt khác do cơ chế còn thiếu và chưa cụ thể nên chưa có nhiều nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng vào cụm công nghiệp dẫn đến quy hoạch treo.

Hiện nay, so với Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thì Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã có sự thay đổi cơ bản. Cụ thể, trước đây đầu tư cụm công nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm thì nay Chính phủ đã xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng để cho thuê lại; các địa phương được quyền cho doanh nghiệp có thể ứng trước tiền thuê đất để thu hồi đất giải phóng mặt bằng; ngân sách nhà nước và các địa phương hỗ trợ đầu tư cụm công nghiệp theo vị trí, quy mô, tính chất và danh mục dự án…

Đại diện Sở Công thương cho biết: sau khi Nghị định số 66/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Sở đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình tất cả các cụm công nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở đã trình UBND tỉnh loại bỏ 15 cụm công nghiệp /263 ha; bổ sung 21 cụm công nghiệp/790,87 ha vào. Như vậy, tổng cộng đến năm 2030, tỉnh có 59 cụm công nghiệp diện tích là 1.800,89ha.

Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quỳnh Lưu cho rằng, để Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13.8.2021 quy định về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi vào cuộc sống, UBND tỉnh cần điều chỉnh mức đền bù khi thu hồi đất thay vì mức 200 triệu/ha như hiện nay. Đồng thời, khi có dự án đầu tư cụm công nghiệp, UBND tỉnh cần cam kết đầu tư đầy đủ các hạng mục theo quy định, các huyện cần bố trí ngân sách đối ứng, hỗ trợ.

Nguyễn Hải