Công tác phòng, chống tham nhũng là việc khó. Khó bởi các đối tượng phạm tội thường là người có chức có quyền, am hiểu về pháp luật nên các hành vi thường được che đậy rất tinh vi, rất khó để phát hiện. Vốn được đánh giá là “tội phạm ẩn”, nên quá trình đấu tranh, xử lý đối với loại tội phạm này là một thách thức đối với các cơ quan chức năng.
Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức xã hội, của Nhân dân, trong năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, công tác phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành bài bản, thận trọng, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Nhờ đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, qua hoạt động thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 151.822 tỷ đồng, 414 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 92.490 tỷ đồng và 135 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 59.332 tỷ đồng, 279 ha đất.
Cùng với hoạt động thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra trong lực lượng công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.347 vụ án/3.565 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra khoảng 4.586 tỷ đồng và 59.899m2 đất; thu hồi, kê biên, tạm giữ khoảng 1.535 tỷ đồng và 45.303m2 đất, 2.665.344 USD, 97 miếng kim loại màu vàng, 534 cây vàng SJC, 9 bất động sản, 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại... Đồng thời, phối hợp yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đối với 88 bất động sản; yêu cầu ngân hàng tạm dừng giao dịch đối với 13 sổ tiết kiệm với tổng giá trị khoảng 1.117 tỷ đồng.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ án tham nhũng trong quá trình điều tra, kê biên, phong tỏa tài sản đã góp phần ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản, để phục vụ công tác thu hồi, khắc phục hậu quả thiệt hại trong các vụ án tham nhũng. Bên cạnh việc vào cuộc điều tra và áp dụng sớm biện pháp phong tỏa để bảo đảm cho thu hồi tài sản, thì thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng trong kỳ báo cáo cũng cho thấy, tổng số tiền phải thi hành 16.080 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 11.534 tỷ đồng, đã thi hành xong 8.436 tỷ đồng.
Những kết quả thu hồi tài sản tham nhũng này cho thấy sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Điều này một lần nữa khẳng định: đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ quyết liệt ở Trung ương mà còn được thực hiện tích cực ở các địa phương, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong xử lý tham nhũng.
Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, ý kiến của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đối với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 cũng nhận định, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản phải thu hồi nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên. Điều này đã gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
Việc điều tra, truy tố các đối tượng có hành vi tham nhũng là rất cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính răn đe, “truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” để cán bộ, những người có chức có quyền không đi vào “vết xe đổ”.
Ngoài xử lý nghiêm minh các đối tượng để răn đe, yêu cầu quan trọng đặt ra đối với xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham nhũng. Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về vấn đề này. Trong đó, cần hoàn thiện các quy định về giám định, định giá tài sản - đây là một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua.