Thu hẹp phạm vi, đối tượng cử tuyển?
Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc với các bộ, ngành về chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhiều ý kiến nêu rõ, chính sách cử tuyển đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử, góp phần bổ sung đội ngũ trí thức, cán bộ có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới, với sự hạn chế, yếu kém trong chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra, chính sách cử tuyển cần có sự thay đổi theo hướng thu hẹp phạm vi và đối tượng.
Đã hoàn thành vai trò của mình
Cử tuyển là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực tại vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Chính sách này được quy định trong Luật Giáo dục và được thể chế hóa tại Nghị định 134/2006/NĐ/CP ngày 14.11.2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Nghị định số 49/2015/NĐ - CP ngày 15.5.2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ – CP của Chính phủ.
![]() Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại cuộc làm việc |
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Từ năm 1990 đến nay, chính sách cử tuyển đã thu được những kết quả tương đối tốt, đã có hàng chục nghìn học sinh được đào tạo cơ bản, đạt trình độ đại học, cao đẳng. Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2006 - 2011 đã đào tạo được 12.812 học sinh (trong đó có 10.560 người có trình độ đại học và 2.252 người có trình độ cao đẳng). Giai đoạn này hầu hết số học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp đều được bố trí việc làm. Đánh giá về chính sách cử tuyển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải khẳng định, chính sách cử tuyển đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, bổ sung đội ngũ trí thức, cán bộ có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2011 - 2017, dường như chính sách này không còn phù hợp với thực tiễn. Thống kê cho thấy, có 8.681 học sinh học cử tuyển. Số lượng sinh viên đã tốt nghiệp là 4.517 người, nhưng chỉ có 1.663 người được bố trí việc làm (đạt tỷ lệ 36,15%). Nhu cầu tuyển sinh cử tuyển ở các địa phương có xu hướng giảm mạnh. Năm 2017, chỉ có 8 tỉnh có nhu cầu đào tạo cử tuyển với số lượng ít (78 chỉ tiêu đại học). Không có tỉnh nào có nhu cầu đào tạo cử tuyển cao đẳng và trung cấp.
Đi sâu vào phân tích nguyên nhân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ, chính sách cử tuyển đang có chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra thấp. Có thực tế, sinh viên cử tuyển tốt nghiệp xong nhưng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc không đủ khả năng thi tuyển, xét tuyển vào công chức, viên chức, mặc dù được hưởng chế độ điểm cộng, ưu tiên theo quy định. Cử tuyển cũng chưa gắn với công tác quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng biên chế, đặc biệt là chưa phù hợp với các định hướng phát triển KT - XH của địa phương.
Điều này đặt ra câu hỏi chính sách cử tuyển có cần thiết nữa không?
Đổi mới tư duy
Trả lời câu hỏi nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến khẳng định: Rất cần thiết!
Quan trọng là phải có sự thay đổi trong chính sách cử tuyển theo hướng thu hẹp phạm vi và đối tượng cử tuyển. Cử tuyển tập trung vào đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người, chất lượng cử tuyển phải tương thích và gắn với nhu cầu của địa phương.
Nhất trí với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải bổ sung, chính sách cử tuyển cũng nên thu hẹp ở một số ngành và lĩnh vực. Đơn cử, ở bộ đội, biên phòng, công an rất cần có chính sách cử tuyển. Lấy ví dụ cán bộ biên phòng thay quân 3 năm/lần, nhưng lại không có cán bộ biên phòng biết nói tiếng dân tộc sẽ rất bất cập. Một vấn đề nữa là cần thay đổi tư duy trong cử tuyển. Không nhất thiết cử tuyển phải đóng góp cho Nhà nước. Mà nên chăng lập một quỹ hỗ trợ đối với các học sinh dân tộc thiểu số miền núi bằng cơ chế học bổng, hỗ trợ khởi nghiệp… Cách làm này tránh tư duy ỷ lại vào chính sách cử tuyển, phải học thật, có bằng thật và cơ hội việc làm, đóng góp cho xã hội cũng rộng mở hơn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Thị Mai Hoa bổ sung, chính sách cử tuyển có tính thời điểm, do vậy cần đánh giá tổng kết những mặt được, chưa được của chính sách cử tuyển, đề ra giải pháp thích hợp hơn. Cho rằng nên thu hẹp đối tượng cử tuyển, Ủy viên Thường trực Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, thu hẹp đối tượng cử tuyển với những đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 10.000 người. Có chính sách mang tính khích lệ, như thi đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp thì sẽ được hỗ trợ đầu ra, không để lãng phí nguồn nhân lực. Đồng thời, có thể thiết lập chỉ tiêu cứng như chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường đại học đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, chỉ tiêu tuyển sinh ở những ngành nào…
Vẫn cần chính sách cử tuyển nhằm nâng cao nhân lực có chất lượng cao cho vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn và tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc rất ít người đang chưa cán bộ hoặc rất ít cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng. Đó là khẳng định của các đại biểu tham dự phiên làm việc của Thường trực Hội đồng Dân tộc về tình hình triển khai kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 - 2017. Đây là một trong những chính sách nhất quán của Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.