Thu để làm gì?

- Thứ Bảy, 07/11/2020, 08:57 - Chia sẻ
Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 15.10.2020, có 60/63 tỉnh, thành phố tiến hành thu Quỹ phòng chống thiên tai với tổng số thu 3.500 tỷ đồng. Có 3 địa phương không lập quỹ là Lai Châu, Quảng Bình, Bạc Liêu. Tổng chi kể từ ngày lập quỹ là 1.808 tỷ đồng, số còn lại lên tới 1.692 tỷ đồng. Đáng nói hơn là tại nhiều địa phương có thu nhưng không chi, hoặc chi rất thấp...

Theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Quỹ phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương; chưa quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương. Thực tế, nước ta là một trong số các quốc gia chịu tổn thương lớn nhất về biến đổi khí hậu nhưng Quỹ phòng, chống thiên tai còn dư tới 1.962 tỷ đồng là rất vô lý, gây lãng phí nguồn lực - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định.

Thực tế, thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn. Như năm 2019, dù điều kiện ngân sách rất khó khăn nhưng Chính phủ cũng đã phải chi trên 10.300 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân… Bởi vậy, việc duy trì, phát triển quỹ này là cần thiết nhằm huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ phòng chống thiên tai. Nhu cầu là có, thậm chí là cấp thiết vậy tại sao Quỹ phòng, chống thiên tai thu được mà không chi được? Tại sao vào cuối năm 2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề xuất cần nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng, hiệu quả và hệ quả của Quỹ phòng, chống thiên tai và bãi bỏ chính sách này trong Luật Phòng, chống thiên tai?

Có thể, để việc thu - chi của quỹ đạt kết quả ngoài các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và xã hội về nộp quỹ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thu Quỹ hàng năm, triển khai thu bảo đảm tiến độ, chi đúng mục đích, yêu cầu; có cơ chế điều tiết quỹ giữa các địa phương bởi ở các địa phương thiên tai xảy ra nhiều, nhu cầu sử dụng quỹ lớn nhưng nguồn thu lại thấp. Ngược lại một số địa phương ít có thiên tai kết dư quỹ lại lớn, nếu không điều tiết được thì sẽ dẫn đến tình trạng tồn dư như thời gian qua, không bảo đảm được nguyên tắc hoạt động cơ bản của quỹ là kịp thời, hiệu quả - thì điều quan trọng nữa là cần thiết phải có căn cứ xác đáng, thuyết phục rằng có nên duy trì Quỹ phòng, chống thiên tai hay không và phải trả lời được câu hỏi thu rồi có chi được không?

Như ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) là Quỹ phòng, chống thiên tai phải được huy động và sử dụng hiệu quả hơn bởi hiện quỹ vận hành chưa tốt. Sau 6 năm thực hiện, quỹ đang còn tới 1.692 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn so với yêu cầu hiện nay. Ngoài ra còn có tình trạng nơi thu, nơi không thu, tỉnh thu được nhiều, tỉnh thu được ít và nhiều địa phương không chi một đồng nào cho việc này trong khi nhu cầu rất lớn. Cá biệt, có tỉnh là tâm điểm của vùng thiên tai bão lũ mà không lập quỹ. Câu hỏi đặt ra là công tác quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc hay chưa?

Linh Trang