Thú chơi sách cổ, sách cũ: Lưu giữ những kết tinh trí tuệ của con người
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cũng như thú chơi đồ cổ, thú chơi sách cổ, sách cũ nằm trong cảm thức thời gian của con người (càng lùi xa, càng quý và hiếm). Tuy nhiên, không chỉ để thỏa mãn sự tò mò, đam mê, chơi sách còn góp phần lưu giữ những kết tinh trí tuệ của con người và dấu ấn xã hội một thời.
Thú chơi văn hóa
Thực tế, có một thị trường sách cũ, một đời sống sách cũ hấp dẫn không kém thị trường sách mới đang rất sôi động. Ở nước ngoài, thú chơi sách đã có từ lâu, có những cuốn sách hàng trăm năm tuổi hiện vẫn được giao dịch trên thị trường. Mới đây, Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) đã phải bỏ ra 7,2 triệu euro để mua bản gốc cuốn hồi ký của Giacomo Casanova, nhằm giúp bạn đọc Pháp có cái nhìn đầy đủ hơn về “người vô địch trên tình trường” (có trong tay hơn 120 người tình) ở thế kỷ XVII.
Ở Việt Nam, thú chơi sách xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có thị trường trao đổi sách quý đúng nghĩa. Mặc dù vậy, số người chơi sách đang ngày càng đông, trong đó có nhiều người trẻ. Mỗi ngày, diễn đàn về sách cũ sachxua.net có thêm khoảng 20 thành viên mới. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lý giải, đó là do người dân đã quan tâm đến văn hóa, đến giá trị tinh thần nhiều hơn; và người ta cũng không còn phải quá lo lắng đến miếng cơm, manh áo. Tất nhiên, để chơi sách trước hết phải thích đọc sách, am hiểu tác phẩm, đam mê và có kiến thức nhất định.
Chơi sách có nhiều cách, có thể sưu tập 1 bản sách qua nhiều thời kỳ, như nhà báo Yên Ba hiện có bộ Tam Quốc được dịch ra tiếng Việt gần như đầy đủ, từ bản đầu tiên của Phan Kế Bính dịch cho đến những bản mới đây. Hay như ông Nguyễn Khắc Bảo ở Bắc Ninh chuyên sưu tầm các ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Hiện bộ sưu tập của ông hiện có 50 bản, trong đó hơn 30 chính bản và có nhiều độc bản. Giảng viên khoa Văn, ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội Nguyễn Hùng Vỹ chơi sách bởi “nhu cầu công việc”. Sách ông mua chủ yếu là sách văn học, văn hóa. Cũng có người sưu tầm nguyên serie của một nhà xuất bản, hoặc chơi theo tác giả...
Theo các nhà chơi sách “lão làng”, cả trong Nam ngoài Bắc, chơi sách thì dễ, nhưng muốn sưu tầm quy mô, phải đạt tới sự chuyên nghiệp và cũng phải trả giá nhiều. Hơn nữa, chơi sách cũng cần có duyên. Như nhà sưu tầm Hoàng Minh (TP Hồ Chí Minh) kể, một lần tránh tắc đường, anh đi vào con hẻm nhỏ, gặp một hiệu sách cũ, anh hỏi bâng quơ xem có sách xuất bản trước năm 1975 hay không, thì bất ngờ tìm được nhiều cuốn sách quý...

Nguồn tư liệu quý
Theo nhà sưu tầm Hoàng Minh, nói đến sách, chúng ta mới nhìn thấy giá trị nội dung mà chưa thấy cái thú sưu tầm. Hơn thế, mỗi lần có bản in mới phát hành, bìa đẹp, giấy đẹp hơn, người ta sẵn sàng bỏ đi những cuốn sách cũ giấy đen khó đọc. Trong khi đó, sách là sáng tạo, kết tinh trí tuệ của con người. Nếu tìm được những độc bản, coi như chúng ta được tiếp xúc với cái ban đầu của tác phẩm, càng tăng thêm sự thiêng liêng, quý giá. Qua dấu tích còn lưu lại của nó, nhất là qua những bản thảo viết tay (thủ bản), chúng ta có thể biết được tự dạng (dáng chữ, nét chữ) của tác giả cũng như quá trình sửa chữa tác phẩm, quá trình suy nghĩ, sáng tạo và lựa chọn từ ngữ của tác giả. Cũng qua những bản sách cũ, ta có thể hình dung ra kiểu in ấn, làm giấy vào thời điểm ấy ra sao...
Với giới nghiên cứu, sưu tầm sách vừa là một thú chơi, vừa là sự bổ trợ cần thiết và hữu ích đối với việc nghiên cứu lâu dài, bởi những trang sách xưa là cả một kho tư liệu về lịch sử, văn hóa, xã hội. Riêng với văn hóa đọc, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, thú chơi sách có tác dụng đánh thức mọi người có ý thức giữ gìn tư liệu, giúp mọi người trao đổi thông tin, có những liên hệ để có thể thu gom được nhiều sách cổ. Bởi cũng như chơi đồ cổ, chơi sách cổ không thể chơi đơn độc, mà nó phải có sự giao lưu, lan tỏa ra cộng đồng. Sưu tầm sách cũng khơi dậy ý thức quý trọng những giá trị được kết tinh, lưu lại trong những cuốn sách cổ, sách cũ. Điều này mang ý nghĩa văn hóa, chứ không chỉ là nội dung cụ thể của cuốn sách.
Ở miền Bắc, do có giai đoạn điều kiện cư trú rất bất ổn, sơ tán vì chiến tranh, rồi những biến động xã hội, nhiều cuốn sách có giá trị bị mất hoặc bị tiêu hủy. Ngay cả đến gia đình các nhà văn, học giả giờ cũng không còn giữ được bản gốc tác phẩm của người thân, như gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh - một trong những dịch giả xuất sắc đầu thế kỷ XX trên Đông Dương tạp chí – không giữ được bản gốc tác phẩm nào của ông. Ở Việt Nam hiện nay, tìm được những cuốn sách 50 năm tuổi trở lên đã rất khó. Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, chơi sách là một trong những thú “thật thà nhất, bởi người ta khó làm dối một cuốn sách”. Hơn nữa, sống với sách cũng như sống với người, bởi mỗi cuốn sách đều do một hoặc nhiều người viết. Mình hiểu được người ta coi như mình quen thêm một người bạn... |