Không được cho vay vốn để đảo nợ, gửi tiền...
Ngày 28.6.2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư số 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Thông tư được ban hành trong bối cảnh lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại giảm mạnh từ việc 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Hiện, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7 - 0,8%; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1 - 1,2%.
Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay giảm sâu trong thời gian qua tiềm ẩn rủi ro khi nguồn vốn giá rẻ có thể chuyển sang phục vụ cho các dự án/mục đích dưới chuẩn, tạo nên rủi ro bong bóng tín dụng cho nền kinh tế.
Trước tình hình đó, Thông tư số 06 được ban hành với 3 nội dung chính: bổ sung các mục đích vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao không được cho vay; đốc thúc các ngân hàng thương mại tăng cường giám sát với các khoản vay phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán; mua hoặc kinh doanh bất động sản; tạo hành lang pháp lý cho các khoản vay được duyệt thông qua phương tiện điện tử.
Cụ thể, Thông tư số 06 đã bổ sung quy định với các nhu cầu vốn không được cho vay, đáng chú ý bao gồm: đảo nợ; để gửi tiền; thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty cổ phần chưa niêm yết; thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh…
Đánh giá về các quy định mới này, bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, điều này sẽ giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Mặt khác, vì các ngân hàng thương mại thường chỉ giám sát lợi tức cố định và mục đích giải ngân của các khoản vay chứ không kiếm soát được tình hình kinh doanh hay nguồn trả nợ của bên nhận vốn góp (đối với các khoản vay để góp vốn), việc cho vay với các khoản vay góp vốn sẽ dẫn đến rủi ro tiềm ẩn về tính hiệu quả của các khoản vay này, cũng như tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu trong tương lai.
“Với việc quy định cho vay thắt chặt thêm, chúng tôi cho rằng Thông tư sẽ có thể làm chậm lại tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, tuy nhiên dài hạn sẽ bảo đảm an toàn hơn cho toàn bộ nền kinh tế”, chuyên gia của VNDirect phát biểu.
Dù vậy, với mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,36% tại thời điểm 15.6.2023, là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, các chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể chỉ đạt 10%, thấp hơn so với mục tiêu 14 – 15% của Ngân hàng Nhà nước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 chiều tối 4.7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện, tăng trưởng tín dụng tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12.423.000 tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay vào khoảng 14 - 15%, như vậy, dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.
Cũng theo ông Tú, sở dĩ tín dụng vẫn tăng trưởng chậm do lãi suất đã giảm là bởi tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp khiến cầu tín dụng cũng không thể tăng cao. Cùng với đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng; thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội. Ngoài ra, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận tín dụng.
Ông Tú tin tưởng, với việc triển khai đồng loạt các chính sách hỗ trợ, tăng cường cải cách thủ tục hành chính sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, qua đó giúp tăng trưởng tín dụng được cải thiện.
Hướng dòng vốn đến các dự án lành mạnh
Cùng với việc bổ sung các điều kiện không được cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm tra hoạt động cho vay với mục đích đảo nợ, hoặc phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản.
“Bằng việc tăng cường các quy định đối với việc giải ngân cho vay, Thông tư số 06 sẽ giúp hướng dòng vốn tín dụng đến phục vụ các dự án/mục đích lành mạnh, mang tính giá trị cao với nền kinh tế”, chuyên gia của Khối Phân tích VNDirect nhìn nhận.
Hiện, thị trường có nhu cầu ngày càng cao với các khoản vay phê duyệt thông qua phương tiện điện tử. Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng cơ sở hành lang pháp lý cho hoạt động này (quy trình đánh giá rủi ro, lưu trữ hồ sơ, quy định dư nợ cho vay tối đa của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng không quá 100 triệu đồng).
Theo các chuyên gia, đây là những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam khi mà đến cuối 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng (tăng 82% so với cùng kỳ, chiếm 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống).
10 nhu cầu vốn không được cho vay
Theo Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với 10 nhu cầu vốn, bao gồm: Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
Bên cạnh đó, không cho vay vốn để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doan; để mua vàng miếng; để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm); để gửi tiền…