Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thông tin, tuyên truyền sáng tạo và đồng bộ

- Thứ Hai, 26/07/2021, 15:25 - Chia sẻ
Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,86% - thuộc nhóm các tỉnh cao của cả nước, Gia Lai đã bầu đủ số lượng 8 đại biểu Quốc hội Khóa XV; 71 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; 571 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; 4.997 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Cơ cấu, thành phần người trúng cử bảo đảm theo quy định. Không có đơn vị bầu cử nào phải bầu cử lại, bầu cử thêm… Góp phần vào thành công đó là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.

Nhiều dân tộc, địa hình phức tạp

Gia Lai là tỉnh miền núi, diện tích rộng, địa hình phức tạp, dân cư phân bố phân tán, việc triển khai và tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền ở Gia Lai là một thách thức không nhỏ.

Đồng bào Xơ Đăng ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, đi bỏ phiếu - Ảnh: Hoàng Anh
Đồng bào Xơ Đăng ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, đi bỏ phiếu
 Ảnh: Hoàng Anh

Với 44 dân tộc chung sống, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử trên địa bàn tỉnh đòi hỏi phải thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ của từng dân tộc. Vì thế, việc biên soạn tài liệu phải được thực hiện một cách công phu, bài bản nhằm chuyển tải đầy đủ thông tin về bầu cử đến mọi người dân.

Hơn thế, Gia Lai có hơn 90km đường biên giới quốc gia giáp với Campuchia, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch luôn tiềm ẩn nguy cơ. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền phải gắn với phản bác các luận điệu xuyên tạc và khẳng định cuộc bầu cử ở tỉnh diễn ra trang trọng, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Đa dạng, kịp thời và rộng khắp

Từ thực tế đó, trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan trung ương có thẩm quyền, Tỉnh ủy, Ủy ban Bầu cử tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan của địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương. Định hướng kịp thời, đầy đủ về nội dung cũng như phương pháp thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng gắn với bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các hình thức thông tin, tuyên truyền về bầu cử ở tỉnh đã được thực hiện sáng tạo và triển khai đồng bộ. Cổ động tuyên truyền trực quan được nhiều địa phương triển khai sớm; nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú, sinh động, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân tham gia cuộc bầu cử.

Có thể khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được triển khai đầy đủ, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nên hầu hết cử tri trong tỉnh nhận thức được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nắm được những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật về bầu cử; nắm được quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; đã tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội về công tác bầu cử.

Ba bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, việc định hướng công tác công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng, do đó cần được triển khai sớm ngay từ giai đoạn đầu của công tác tuyên truyền. Các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử; các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về bầu cử, xác định rõ các biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, khu vực và đối tượng.

Thứ hai, công tác tuyên truyền phải bảo đảm thông tin đầy đủ các nội dung, các bước của tiến trình bầu cử và được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong suốt quá trình tổ chức cuộc bầu cử, các cấp, các ngành phải luôn hoạt động tích cực, chỉ đạo sát sao, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan và các địa phương nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời đối với công tác tuyên truyền bầu cử.

Thứ ba, trong công tác tuyên truyền, cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các loại hình tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, thông qua sinh hoạt của các tổ chức Đảng, đoàn thể, họp dân tại thôn, làng, tổ dân phố; tuyên truyền thông qua hoạt động của các đội thông tin lưu động, các trạm truyền thanh ở các điểm bầu cử; đặc biệt là tuyên truyền qua internet, mạng xã hội, tuyên truyền qua các dịch vụ viễn thông phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận cụ thể...

PV