Tư vấn hướng nghiệp – Tuyển sinh 2023:

Thông tin mới nhất, quan trọng nhất về thi Đánh giá năng lực, thí sinh cần lưu ý

Ngày 31.1, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội về những thông tin mới nhất, quan trọng nhất của kỳ thi Đánh giá năng lực, thí sinh cần lưu ý.

Đối với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023, dự kiến có tới hơn 70 trường đại học, học viện dùng kết quả này để xét tuyển. Kỳ thi năm nay dự kiến phục vụ khoảng 70.000 thí sinh.

Vậy, kỳ thi Đánh giá năng lực năm nay có những điểm mới nào? Có những quy định quan trọng nào, thí sinh cần lưu ý? Cấu trúc đề thi năm nay ra sao? Và làm thế nào để thí sinh làm bài thi đạt kết quả tốt nhất?

Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Giảm đợt thi, mở rộng quy mô kỳ thi

- Thưa GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023, có những điểm mới nào đáng chú ý so với các kỳ thi năm trước?

Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được xây dựng ổn định với tầm nhìn dài hạn. Bắt đầu từ năm 2021 đến nay, ĐHQGHN vẫn duy trì các thông tin về kỳ thi, mỗi năm chỉ có những sự điều chỉnh đơn giản về kỹ thuật mang tính thuận tiện cho thí sinh nhiều hơn.

Thí sinh và phụ huynh đã từng đăng ký các năm trước có thể yên tâm kế thừa kinh nghiệm để thực hiện tốt cho năm 2023.

- Vì sao Đại học Quốc gia Hà Nội lại giảm đợt thi Đánh giá năng lực từ 12 đợt thi xuống 8 đợt thi vào năm 2023?

Năm 2022, do việc phải giãn cách phòng dịch Covid – 19 nên kế hoạch tổ chức thi tương đối bị động. Năm 2023 kế hoạch tổ chức kỳ thi được xây dựng công phu, đầy đủ hơn.

ĐHQGHN giảm về số lượng đợt thi từ 12 xuống 8 đợt thi nhưng lại tăng về quy mô. Số lượng thí sinh năm nay dự kiến khoảng 70.000 học sinh, thậm chí còn có thể cao hơn. Như vậy chúng tôi vẫn đáp ứng được mong mỏi của thí sinh, đặc biệt chúng tôi còn cố gắng kết thúc các đợt thi sớm hơn để thí sinh yên tâm ôn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy năm 2023 thời gian thi rút ngắn, số đợt thi rút ngắn, quy mô tăng lên.

- Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội giới hạn số lượt đăng ký thi đánh giá năng lực của thí sinh. Mỗi người được thi tối đa hai lần, vì sao lại có quy đnh như vậy thưa ông?

Kỳ thi ĐGNL là kỳ thi đánh giá năng lực của thí sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình THPT, do vậy nếu như thí sinh trong một thời gian ngắn có thi lại nhiều lần cũng không thay đổi kết quả. Đó là một trong những lý do chúng tôi đặt ra khoảng cách tối thiểu giữa hai đợt thi là 28 ngày. Sau 28 ngày tích luỹ kiến thức thì khi thi lại điểm có thể thay đổi.

Những năm trước  chúng tôi cho phép thí sinh dự thi nhiều lần và mong muốn các bạn có nhiều trải nghiệm và tìm hiểu một hình thức thi mới. Năm 2022 thống kê khoảng 25.000 thí sinh đã dự thi trên 2 lượt và 92 % trong số 25.000 đó không chênh lệch điểm bài thi, một số ít thí sinh có thay đổi điểm thi nhưng nằm trong vùng sai số cho phép của khoa học đo lường.

Do vậy, việc thí sinh đăng ký nhiều đợt thi không làm thay đổi điểm của các em nhưng vô tình làm mất vị trí  của nhiều thí sinh khác có nguyện vọng dự thi. Đây là lý do mà chúng tôi giảm lượt đăng ký của thí sinh xuống chỉ tối đa hai lần để mở ra cơ hội cho các thí sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhiều cơ hội tiếp cận đến kỳ thi đánh giá năng lực.

Mỗi thí sinh chỉ nên dùng một thiết bị để đăng ký dự thi

- Thí sinh muốn dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thì đăng ký như thế nào, thưa ông?

Khi đăng ký hồ sơ dự thi, thí sinh bắt buộc phải sử dụng căn cước công dân, đầy đủ các thông tin như ảnh chân dung, kết quả học tập … theo quy định.

Thí sinh sẽ tiếp tục đăng ký trực tuyến, hoàn thành thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Các hồ sơ, kê khai thông tin có thể hoàn thiện trong vòng 5-7 phút và sẵn sàng cho một đợt thi. Học sinh cũng có thể nộp lệ phí trực tuyến trước ngày dự thi.

Thiết kế của kỳ thi đánh giá năng lực xây dựng với 3 mục tiêu, tính toàn diện, tính ổn định và tính phân loại.

Tới thời điểm này tất cả những mục tiêu của chúng tôi cơ bản đã đạt được. Do vậy, năm 2023 cấu trúc đề thi không thay đổi. Số câu hỏi của đề vẫn là 150 câu hỏi trên ba phần là định lượng, định tính và khoa học.

Độ khó, dễ của các năm, các đợt thi đều duy trì ổn định. Thí sinh hãy làm quen với bài tham khảo để biết dạng thức bài thi và yên tâm để ôn tập cho kỳ thi năm tới đạt được kết quả cao.

Thông tin mới nhất, quan trọng nhất về thi Đánh giá năng lực, thí sinh cần lưu ý -0
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội

Chọn câu hỏi dễ làm trước, khó làm sau

- Đề thi tham khảo của kỳ thi Đánh giá năng lực, đa phần câu hỏi thi được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm chọn đáp áp. Ông có lời khuyên gì cho thí sinh khi làm các câu hỏi thi trắc nghiệm?

Bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN được thiết kế là 150 câu hỏi, trong đó có 132 câu hỏi trắc nghiệm và 18 câu điền đáp án. Số lượng các câu không thay đổi nhưng độ khó, dễ của các câu sẽ thay đổi, do vậy thí sinh dễ mắc sai lầm khi tính làm 150 câu trong 195 phút, như vậy sẽ mất 75 -78 giây cho một câu hỏi.

Nếu tư duy tính bình quân, học sinh sẽ rất dễ mắc sai lầm khi làm bài. Có những câu hỏi rất dễ chỉ mất 20 -15 giây, thậm chí là 5 giây, thời gian còn lại là dành cho những câu hỏi khó. Những câu hỏi khó có thể tốn 1 phút đến 3 phút của thí sinh.

Những thí sinh đạt điểm cao đa phần đã rút kinh nghiệm từ bài thi tham khảo qua đó có chiến lược làm bài, biết được khi nào cần kết thúc câu hỏi dễ khi nào mình kết thúc câu hỏi khó. Bên cạnh đó, thí sinh được bỏ qua những câu khó để làm câu dễ trước, sau đó quay trở lại làm câu khó hoặc câu chưa chắc đáp án.

Đây là những kinh nghiệm hết sức đơn giản và cũng quý báu đối với thí sinh. Các em chỉ cần làm bài tham khảo và xem hướng dẫn là có thể đạt được kết quả trọn vẹn, hoàn thiện được 150 câu hỏi trong vòng 195 phút với kết quả cao.

Thông tin mới nhất về thi Đánh giá năng lực, thí sinh cần lưu ý -0
Phòng thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Lãng phí thời gian nếu “sa lầy” vào các trung tâm luyện thi

- Hiện nay, có rất nhiều trung tâm luyện thi Đánh giá năng lực xuất hiện, theo ông thí sinh có nên đến các trung tâm luyện thi đánh giá năng lực này để ôn luyện không?

Tâm lý của một thí sinh là khi bước vào kỳ thi, việc đầu tiên sẽ nghĩ là mình cần luyện thi ở đâu, sẽ ôn tập như thế nào để đạt kết quả cao. Bài thi Đánh giá năng lực không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa mà hoàn toàn kiểm tra năng lực và kiến thức của thí sinh.

Do vậy, tất cả các tư liệu ĐHQGHN có thể lấy bên ngoài, các kiến thức, văn chương, văn học, tất cả những tác phẩm tồn tại ở Việt Nam hoặc là tác phẩm văn học nước ngoài, đều có thể đưa vào ngữ liệu để đánh giá thí sinh đạt được chuẩn hay là đánh giá tư duy ngôn ngữ của thí sinh trong khi xử lý vấn đề.

Do vậy đề thi là rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú. Tôi có thể cam kết rằng không một trung tâm nào, một đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi hết đối với bộ đề thi khổng lồ của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Việc tìm tới các trung tâm luyện thi chỉ góp phần giúp học sinh có nơi ôn tập, chuẩn bị tâm lý tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi. Chúng tôi vẫn nhắc nhở học sinh tham gia vào các lớp ôn thi trước khi bước vào kỳ thi, tuy nhiên việc tham gia mà đạt kết quả cao là điều vô cùng khó vì đây chỉ là biện pháp về mặt tinh thần, tâm lý.

Thí sinh cần có một kế hoạch học tập nghiêm túc, nghiêm chỉnh và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông là hoàn toàn đạt kết quả cao.

Qua thống kê những năm vừa qua nếu học sinh bị sa lầy vào những trung tâm luyện thi, đôi khi các em sẽ lãng phí về thời gian và kinh tế mà dễ rơi vào tình trạng học lệch, học tủ, như vậy các em chỉ đạt điểm ở mức trung bình.

Nâng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi Đánh giá năng lực 

- Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội dành bao nhiêu chỉ tiêu cho kết quả thi Đánh giá năng lực thưa ông?

Việc xây dựng chỉ tiêu Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng đề án tuyển sinh và sẽ công bố trong thời gian sắp tới. Đại học Quốc gia Hà Nội có thể nâng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác nhau, trong đó có bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với những ngành đào tạo đại trà hoặc là phổ cập mà thu hút thí sinh bằng nhiều nguồn thì có thể là giảm tỷ lệ của bài thi đánh giá năng lực. Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh sẽ thông tin chính thức vào cuối tháng 2 khi đề án tuyển sinh được công bố. Đề án quy định cụ thể từng ngành, từng trường và từng phương thức để đáp ứng.

Thêm nhiều trường đại học dùng kết quả thi Đánh giá năng lực

- Năm 2023, dự kiến có bao nhiêu trường đại học sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển thưa ông?

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến phục vụ khoảng 70 nghìn thí sinh đăng ký dự thi năm 2023 và có thể tăng lên theo nhu cầu của thí sinh cũng như là cơ sở hạ tầng đáp ứng được trong thời gian tới.

Theo thống kê năm 2022 có khoảng 60 cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để xét tuyển. Đến đầu năm 2023 một số trường tiếp tục công bố đề án tuyển sinh thì có thể thêm mới từ 2 đến 5 trường. Dự kiến trong tháng 2 và tháng 3 sẽ tiếp tục có nhiều cơ sở giáo dục tiếp tục sử dụng bài thi ĐGNL.

Với bài thi ĐGNL có tính toàn diện, ổn định và phân loại của ĐHQGHN, chúng tôi tiếp tục nhắm tới những trường đại học, những ngành đào tạo mà đòi hỏi sự phân loại cao đối với thí sinh thì hãy sử dụng bài thi này.

Giảm thiểu phương thức xét tuyển

Trong công bố mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội có thông tin về việc chuyển đổi điểm đánh giá năng lực giữa hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM, cụ thể sẽ thực hiện như thế nào?

Chúng tôi đã xây dựng bộ công cụ chuyển đổi điểm giữa hai bài thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia trên cơ sở phân tích, đánh giá, thống kê dữ liệu của thí sinh dự thi Đánh giá năng lực năm 2022, thí sinh dự thi tốt nghiệp và thí sinh có kết quả học tập bậc trung học phổ thông để tìm ra mẫu số chung, từ đó cố gắng quy đổi một cách tương ứng giữa bài thi khi ra đề thi.

Điều này không chỉ giúp cho thí sinh không phải dự thi nhiều lần với bài thi đánh giá năng lực mà cũng giúp cho các cơ sở giáo dục đại học có thể xét tuyển bằng bài thi đánh năng lực, giảm thiểu số phương thức xét tuyển.

Qua nghiên cứu trên 10.000 dữ liệu thí sinh, chúng tôi đưa ra công thức điểm bài thi ĐGNL của ĐHQGHN = 0,1103 x điểm bài thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM.

Xét trong khoảng giới hạn tin cậy là 60 đến 135 điểm đối với ĐHQGHN và 600 đến 1100 điểm đối với ĐHQG TP.HCM. Khi áp dụng công thức sai số khoảng 5%, đây là mức hoàn toàn đáp ứng được các thí sinh yên tâm dự thi. Các trường đại học có thể yên tâm sử dụng kết quả mà chỉ cần tuyên bố một hình thức thi ĐGNL là có thể quy đổi sang hình thức còn lại.

Học sinh có thể nộp được hồ sơ vào các trường ĐH bằng một trong hai bài thi ĐGNL. Các trường xét tuyển một lần là có thể có được nguồn tuyển tin cậy và giá trị trong thời gian tới. Qua đó giảm thiểu được công sức, tài chính, thời gian, hành chính và các chi phí xã hội.

Các thí sinh không nên sử dụng nhiều phương thức xét tuyển

- Trong bối cảnh ngày càng nhiều trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả các bài thi đánh giá năng lực, ông có lời khuyên gì cho thí sinh xét tuyển năm nay?

Xu thế là đa dạng trong tuyển sinh đã trở lại trong thời gian gần đây khi chúng ta hướng vào tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tuyển sinh. Các trường đại học thì đặt hai mục tiêu một là tuyển đủ, hai là tuyển thí sinh chất lượng.

Thông thường các trường sử dụng 5 phương thức chính:

- Phương thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo hoặc là của cơ sở giáo dục đại học.

- Phương thức xét tuyển bằng điểm trung bình trung học tập trung học phổ thông.

- Phương thức xét tuyển bằng tốt nghiệp.

- Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế.

- Phương thức xét tuyển về bài thi ĐGNL.

Tuy nhiên, việc các thí sinh tham dự nhiều bài thi đánh giá năng lực hay các bài tuyển sinh riêng để vào một chương trình đào tạo và của một ngành chúng tôi không khuyến khích.

Bởi vì mỗi trường, mỗi ngành khi đưa ra các phương thức xét tuyển người ta đều cân nhắc trên chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo bậc đại học, chuẩn đầu ra  để đưa ra điểm sàn hay là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Do vậy, khi học sinh xác định lựa chọn vào trường A mà nhà trường công bố phương thức nào thì hãy tập trung ôn tập vào phương thức đó. Hoặc nếu như mình đã có kết quả tuyển thẳng thì cũng yên tâm dành thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp.

Thí sinh muốn thử sức một trường mới thì có thể ôn tập, luyện thi theo phương thức khác nhưng không nên thử quá nhiều phương thức. Bởi vì mỗi bài thi được thiết kế, cấu trúc khác nhau. Mặc dù mẫu số chung có thể đều hướng về đánh giá năng lực hoặc là đánh giá kiến thức nhưng cách làm và chiến lược mỗi bài khác nhau.

Chúng tôi vẫn khuyến cáo các em hãy chọn một bài thi nào đó theo đề án tuyển sinh của trường công bố. Với bài thi tốt nghiệp, hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả tốt nghiệp như một phương thức xét tuyển trong thời gian qua và năm 2023 tôi tin là điều đó vẫn duy trì ổn định.

Các kỳ thi sẽ được tổ chức vào cuối tuần

- Ông cho biết, lịch thi cụ thể của Kỳ thi Đánh giá năng lực 2023?

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 8 đợt thi, sớm nhất là ngày 10/3 và muộn nhất là 5/6. Các kỳ thi thường sẽ được tổ chức vào cuối tuần, tháng 3 có hai đợt, tháng 4 hai đợt, tháng 5 ba đợt và tháng 6 một đợt. Thí sinh có thể đăng ký ca thi cho tháng 3,4 vào ngày 6/2 tới đây, các ca thi tháng 5,6 đăng ký ngày 18/3.

Thí sinh có thể đăng ký trong ngày sau đó như mùng 7, 8, 9, … cho đến khi nào số lượng thí sinh của một đợt thi đủ thì mới đóng cổng. 

Việc đăng ký dự thi Đánh giá năng lực hết sức đơn giản, thí sinh cần dành thời gian để đăng ký dự thi một cách bình tĩnh, chuẩn xác.

Chúng tôi khuyến cáo với thí sinh, khi các bạn đăng ký dự thi phải chính xác từ số căn cước công dân, ngày sinh, ảnh... Những thông tin đó mà các bạn vô tình sai lệch dẫn đến việc làm chậm quá trình đăng ký của các bạn, đặc biệt là thời gian đợt thi tháng 5, tháng 6.

Khi đó, khoảng thời gian giữa thi và chứng nhận kết quả là rất ngắn. Nếu có bất kỳ sai sót nào thì việc điều chỉnh thông tin, sẽ mất thời gian dài, dẫn đến thí sinh có thể không đăng ký xét tuyển vào đại học như mong muốn. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.