Quy định này áp dụng cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội bằng phương thức xét tuyển tài năng, bao gồm: xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế gồm: SAT, ACT, A-Level, AP và IB; xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
3 hình thức xét tuyển tài năng
Với phương thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, đối tượng xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT cùng năm xét tuyển, đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi Khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức. Thí sinh được chọn tối đa 3 nguyện vọng tương ứng với 3 ngành/chương trình đào tạo theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 3.
Với phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, đối tượng xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT, có điểm trung bình chung học tập các môn văn hóa (trừ 2 môn Thể dục và Giáo dục Quốc phòng An ninh) từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên. Thí sinh cần có ít nhất 1 trong các chứng chỉ Quốc tế sau: SAT, ACT, A-Level, AP và IB.
Thí sinh được chọn tối đa 3 nguyện vọng tương ứng với 3 chương trình theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 3. Lưu ý, đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, Đại học Bách khoa Hà Nội có yêu cầu thêm về điều kiện tiếng Anh theo đề án tuyển sinh của trường.
Với phương thức xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, đối tượng xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT cùng năm xét tuyển (không xét đối với thí sinh tốt nghiệp hệ Giáo dục thường xuyên), có điểm trung bình chung học tập các môn văn hóa (trừ 2 môn Thể dục và Giáo dục Quốc phòng An ninh) từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 đạt 8.0 trở lên và đáp ứng một trong những điều kiện sau:
Thứ nhất, thí sinh được chọn tham dự kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích trong kỳ thi chọn Học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố do Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức (hoặc tương đương do các Đại học quốc gia, Đại học vùng chủ trì tổ chức) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ, Tổ hợp trong thời gian học THPT.
Thứ hai, thí sinh được giải Nhất, Nhì cấp tỉnh/thành phố trở lên cuộc thi Khoa học Kỹ thuật do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức.
Thứ ba, thí sinh được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì tổ chức từ vòng thi tháng trở lên.
Thứ tư, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP từ B2 trở lên, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6.0 trở lên (hoặc chứng chỉ khác tương đương) được đăng ký xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế - Quản lý.
Thứ năm, thí sinh là học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc, các lớp chuyên, hệ chuyên thuộc các Trường đại học, Đại học quốc gia, Đại học vùng.
Lưu ý với thí sinh thuộc 3 diện đầu tiên: trong 1 năm học, đối với 1 môn thi hoặc 1 nội dung thi, thành tích của thí sinh chỉ được tính cho 1 thành tích cao nhất, những thành tích còn lại sẽ không được tính. Thí sinh thuộc diện thứ tư chỉ tính 1 thành tích cao nhất. Thời gian tính thành tích là thời gian học THPT của thí sinh (lớp 10, 11 và 12).
Thí sinh chọn phương thức xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng tương ứng với 2 chương trình theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Việc chọn chương trình đăng ký xét tuyển tùy thuộc vào hồ sơ năng lực của thí sinh. Đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ có yêu cầu thêm về điều kiện tiếng Anh theo đề án tuyển sinh của trường.
Quy định về cách tính điểm hồ sơ năng lực
Điểm hồ sơ năng lực của thí sinh được đánh giá trên thang điểm 100 và được sử dụng để làm căn cứ xét tuyển theo phương thức này cho từng chương trình đào tạo mà thí sinh đăng ký, cụ thể như sau:
Điểm hồ sơ năng lực = Điểm học lực + Điểm thành tích + Điểm phỏng vấn + Điểm thưởng.
Trong đó: Điểm học lực tối đa 40 điểm, chiếm 40%; Điểm thành tích tối đa 40 điểm, chiếm 40%; Điểm phỏng vấn tối đa 20 điểm, chiếm 20%; Điểm thưởngtối đa 10 điểm. Điểm học lực của thí sinh sẽ được tính dựa trên tổ hợp môn học mà thí sinh lựa chọn để xét tuyển. Thí sinh phải chọn 1 trong 9 tổ hợp (A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28, D29) để đánh giá điểm học lực.
Điểm học lực của thí sinh được tính như sau:
Đối với tổ hợp chọn xét tuyển có môn chính (môn x hệ số 2): Điểm học lực = (TB môn chính) x 2 + (TB môn 2) + (TB môn 3)
Đối với tổ hợp chọn xét tuyển không có môn chính: Điểm học lực = [(TB môn 1) + (TB môn 2) + (TB môn 3)] x 4/3
Trong đó: TB môn = (HKI lớp 10 + HKII lớp 10 + HKI lớp 11 + HKII lớp 11 + HKI lớp 12)/5. Thí sinh chọn tổ hợp môn học nào để tính điểm học lực thì sẽ có quyền chọn các chương trình đào tạo tương ứng để đăng ký xét tuyển.
Cách tính điểm phỏng vấn
Theo quy định, nội dung phỏng vấn sẽ đánh giá sự hiểu biết về xã hội nói chung của thí sinh, không kiểm tra kiến thức học tập. Cụ thể gồm các nội dung: Hiểu biết về Đại học Bách khoa Hà Nội, về chương trình, kế hoạch học tập mà thí sinh đã lựa chọn xét tuyển, khả năng trình bày, lập luận, thuyết phục, đối đáp và năng khiếu riêng của bản thân (nếu có).
Hình thức phỏng vấn: trực tiếp hoặc online. Hội đồng phỏng vấn gồm 3-5 thầy cô/hội đồng là giảng viên hoặc cán bộ có bằng tiến sĩ tại các đơn vị trong Đại học.
Mỗi thí sinh có tối đa 15 phút để tự giới thiệu về bản thân và trả lời các câu hỏi phỏng vấn của Hội đồng phỏng vấn. Hội đồng phỏng vấn sẽ thực hiện phỏng vấn đối với từng thí sinh theo phiếu đánh giá do Hội đồng tuyển sinh chuẩn bị. Sau mỗi câu trả lời của thí sinh, các thành viên hội đồng cho điểm vào ô tương ứng. Sau khi thí sinh kết thúc phần phỏng vấn, các thành viên hội đồng sẽ cộng điểm của thí sinh đạt được và ký xác nhận vào phiếu đánh giá.
Điểm phỏng vấn của thí sinh là điểm trung bình cộng của các thành viên hội đồng, làm tròn đến 2 chữ số sau dấu phẩy. Trong trường hợp điểm đánh giá của các thành viên hội đồng có sự sai khác nhau từ 04 điểm trở lên thì Ban xét tuyển tài năng sẽ tổ chức đối thoại với hội đồng phỏng vấn, trong trường hợp cần thiết sẽ thành lập hội đồng phỏng vấn khác để đánh giá lại điểm phỏng vấn của thí sinh thông qua các tài liệu đã được ghi lại.
Cách tính điểm thưởng
Điểm thưởng của thí sinh được tính dựa trên việc kê khai trên hệ thống về các thành tích học tập, nghiên cứu khoa học khác chưa được tính điểm trong điểm thành tích của thí sinh. Những thành tích và minh chứng hợp lệ là những thành tích và minh chứng được khen thưởng hoặc chứng nhận của đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân tại Việt Nam (ký, đóng dấu tròn đỏ). Thời gian tính thành tích là thời gian học THPT của thí sinh (lớp 10, 11 và 12).
Cách tính điểm thành tích
Điểm thành tích của thí sinh được tính dựa trên điểm thành tích chính cộng với điểm thành tích phụ mà thí sinh đã chọn và khai trên hệ thống. Điểm thành tích đạt tối đa là 40 điểm, nếu tổng điểm thành tích ≥ 40 thì quy về 40 điểm.
Trong đó, với điểm thành tích chính, thí sinh chọn thành tích cao nhất đạt được trong các năm học THPT (bao gồm: Thành tích tại kỳ thi Học sinh giỏi; Thành tích tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật; Thành tích tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia; Chứng chỉ IELTS hoặc tương đương; Thí sinh học hệ chuyên. Điểm thành tích phụ được tính cho những thí sinh có chứng chỉ IELTS hoặc tương đương nhưng không sử dụng để tính điểm thành tích chính.
Đăng ký xét tuyển tài năng thế nào?
Thí sinh đủ điều kiện sẽ thực hiện đăng ký trực tuyến trên Hệ thống đăng ký xét tuyển tài năng qua cổng thông tin đăng ký xét tuyển tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023, theo thời gian nhà trường thông báo hàng năm. Trong thời gian mở hệ thống, thí sinh có thể vào đăng ký, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật thông tin dữ liệu của mình.
Sau thời hạn đăng ký, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký và chức năng thay đổi thông tin. Thông tin trên hệ thống sau ngày hết hạn đăng ký sẽ là thông tin cuối cùng của thí sinh để Hội đồng tuyển sinh làm căn cứ xét tuyển. Hội đồng tuyển sinh không chấp nhận bất cứ thông tin nào của thí sinh được bổ sung sau ngày hết hạn đăng ký.
Trường hợp Hội đồng tuyển sinh cần làm rõ thêm các thông tin thí sinh đã đăng ký trên hệ thống, Hội đồng tuyển sinh sẽ yêu cầu thí sinh cung cấp thêm minh chứng để làm căn cứ xét tuyển.
Sau khi có đầy đủ dữ liệu đăng ký từ thí sinh, Hội đồng tuyển sinh căn cứ theo thành tích, điểm chứng chỉ, điểm hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn và nguyện vọng của thí sinh sẽ tiến hành xét tuyển theo thứ tự ưu tiên điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu được phân bổ theo từng chương trình đào tạo.
Thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của thông tin kê khai trên hệ thống. Nhà trường sẽ tiến hành hậu kiểm sau khi thí sinh trúng tuyển và nhập học. Nếu phát hiện có bất kỳ sai sót nào ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xét tuyển, thí sinh sẽ bị xử lý theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT và của Đại học Bách khoa Hà Nội.