Khẩn trương điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân
Gồm 3 điều, trong Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc chủ động, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được tiến hành hết sức khẩn trương trong phạm vi cả nước, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư.
Khẩn trương thực hiện điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31.12.2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội…
Về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát các cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu phí các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư; rà soát, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; rà soát, hoàn thiện các quy định về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Nghị quyết cũng quyết nghị, Chỉnh phủ cần có các giải pháp để bảo đảm đủ nguồn cung khai thác vật liệu xây dựng; đẩy nhanh tiến độ di dời các đường điện cao thế, cáp viễn thông; hướng dẫn việc xác định giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ khi giao cho các nhà thầu khai thác theo các cơ chế đặc thù; rà soát, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phương án tổ chức giao thông để nâng cao an toàn khai thác trên các tuyến đường cao tốc đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe và 4 làn xe…
Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư
Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày nêu rõ, nhiều ý kiến ĐBQH bổ sung nhận định, đánh giá việc ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đạt được những kết quả tích cực.
Phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm trong bối cảnh nhiều khó khăn, chưa có tiền lệ. Đánh giá sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể Nhân dân đã góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện các nội dung đánh giá khái quát về kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và rút kinh nghiệm trong công tác đánh giá thực tiễn, phân tích, dự báo tác động của các giải pháp; trong đề xuất ban hành chính sách và triển khai tổ chức thực hiện chính sách.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn chương trình để hoàn thành đúng theo tiến độ yêu cầu.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện nội dung này tại điểm a, khoản 1, Điều 2 dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư...
Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, chủ quản dự án, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025 và đình chỉ hoặc không tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả thấp, chưa giải ngân…
Bên cạnh đó, một số ý kiến ĐBQH đã góp ý bổ sung, chỉnh sửa câu từ, kỹ thuật văn bản... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.